image banner
Tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm 2022

I. Tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm 2022:

Những tháng đầu năm 2022, dịch Covid-19 bùng phát diện rộng trên địa bàn thành phố dẫn đến tình trạng thiếu lao động diễn ra tại nhiều doanh nghiệp. Việc gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, biến động của giá than, xăng dầu thế giới làm cho chi phí sản xuất, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, kinh doanh. Giá cước vận tải tiếp tục tăng cao khiến cho hoạt động nhập khẩu nguyên liệu, xuất khẩu hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn, nhiều đơn hàng, hợp đồng phải tạm dừng để điều chỉnh và đàm phán lại giá.

Trước tình hình đó, các doanh nghiệp ngành Công Thương đã chủ động nắm bắt các thông tin chỉ đạo của Trung ương và địa phương, tuân thủ các biện pháp, quy định phòng chống dịch, xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh thích ứng với tình hình mới, cơ cấu lại khách hàng và đơn hàng, tận dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do đã được ký kết. Công tác bình ổn thị trường, an toàn thực phẩm, cung ứng điện được đảm bảo, tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn các quận, huyện tiếp tục được duy trì ổn định. Sở đã tập trung nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số; kịp thời cung cấp các thông tin thị trường, chính sách quản lý hoạt động xuất nhập khẩu ở các nước mà Việt Nam giao thương; tăng cường hoạt động kết nối cung cầu với các tỉnh. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2022, sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu đều tăng trưởng trên các chỉ tiêu chủ yếu:

Về sản xuất công nghiệp:

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tháng 6/2022 ước tăng 0,01% so với tháng 5/2022 và tăng 16,16% so với cùng kỳ.Tính chung 6 tháng/2022, IIP tăng 11,84% so với cùng kỳ. Trong 57 ngành công nghiệp cấp 4, 29 ngành có IIP tăng, 28 ngành có IIP giảm so với cùng kỳ. Những ngành có tốc độ tăng IIP cao như: sản xuất hàng may sẵn trừ trang phục tăng 283,83%; sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính tăng 124,07%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 84,79%; chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản tăng 53,15%... Một số ngành giảm sâu: sản xuất pin và ắc quy giảm 39,41%; sản xuất phân bón và hợp chất nitơ giảm 30,01%; đóng tàu và cấu kiện nổi giảm 32,84%; sản xuất dây, cáp điện và điện tử khác giảm 19,51%...

Về hoạt động thương mại:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 6/2022 ước đạt 14.716,4 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng/2022 ước đạt 84.458,1 tỷ đồng, tăng 12,79% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm, giá xăng dầu nhiều lần điều chỉnh tăng, tuy nhiên, nguồn cung xăng dầu trên địa bàn vẫn ổn định, không có hiện tượng doanh nghiệp găm hàng, ngừng bán không có lý do chính đáng. Chịu tác động từ giá xăng dầu nên giá cả hàng hóa trên thị trường cũng dao động tăng. Tại hệ thống siêu thị, do hàng hóa nhập vào được ký theo hợp đồng dài hạn nên hiện tại giá cả các mặt hàng thiết yếu tương đối ổn định. Nhằm kích cầu tiêu dùng, hệ thống các siêu thị cùng nhà sản xuất chia sẻ lợi nhuận để thực hiện các chương trình khuyến mãi áp dụng với nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm, tiêu dùng. Nhìn chung, tình hình cung cầu hàng hóa 6 tháng/2022 trên địa bàn thành phố cơ bản ổn định, không có biến động lớn. Hoạt động lưu thông hàng hóa diễn ra bình thường, lượng hàng hóa cung cấp ra thị trường đáp ứng nhu cầu người dân.

Về xuất nhập khẩu:

6 tháng/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13.543 triệu USD, tăng 15,33% so với cùng kỳ, đạt 43,69% kế hoạch năm; Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 13.491,3 triệu USD, tăng 15,69% so với cùng kỳ, đạt 43,85% kế hoạch năm. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn: nhóm điện tử và linh kiện điện tử tiếp tục giữ vai trò chủ lực với kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố, đóng góp chủ yếu từ các công ty thuộc Tập đoàn LG; Nhóm máy móc thiết bị và phụ tùng chiếm khoảng hơn 8% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố; Nhóm hàng dệt may và giày dép kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Trong số 132 thị trường xuất khẩu của Hải Phòng, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất (chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố), tiếp đến là Hồng Kông và Nhật Bản (khoảng 13%), châu Mỹ (khoảng 9%), châu Âu (khoảng 5%).

II. Giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022:

1. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ thành phố giao trong Chương trình công tác và Chủ đề năm 2022. Tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn lập quy hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện quy hoạch ngành công thương tích hợp vào Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

2. Hướng dẫn UBND các huyện bổ sung một số CCN (Tràng Duệ, Quyết Tiến, Quang Hưng, An Hồng…) vào Quy hoạch các CCN thành phố. Tham mưu thành lập các CCN theo quy hoạch; tiếp tục theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN đã được thành lập các thủ tục triển khai thực hiện dự án đảm bảo đúng tiến độ và theo quy định của pháp luật. Xây dựng Quyết định của UBND thành phố về việc phê duyệt giá dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tại CCN Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo và CCN thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng.

Tham mưu UBND thành phố: Triển khai thực hiện kết luận của BTV Thành ủy về bổ khuyết Nghị quyết số 05/NQ-TU ngày 19/10/2017 của BTV Thành ủy về phát triển công nghiệp; Ban hành Kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất, kho bãi nhỏ lẻ trong đô thị về các khu, CCN tập trung của thành phố. Tiếp tục thực hiện Quyết định số 820/QĐ-UBND ngày 23/3/2021 của UBND thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ. Triển khai thực hiện các đề án khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương năm 2022. Giám sát việc thực hiện Đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao tại nhà máy nhiệt điện, hoá chất, phân bón theo Kế hoạch số 1868/KH-SCT ngày 20/8/2021 của Sở Công Thương. Tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất năm 2022 sau khi được phê duyệt dự toán kinh phí.

3. Phối hợp với Công ty TNHH MTV điện lực Hải Phòng và các đơn vị hoạt động điện lực đảm bảo cung ứng điện cho hoạt động kinh tế xã hội của thành phố, đặc biệt trong các đợt cao điểm nắng nóng. Theo dõi quản lý việc đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện theo quy hoạch, tình hình cấp điện tại các KCN; tháo gỡ vướng mắc các dự án công trình điện 110kV, công trình điện trung áp. Phối hợp với cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương về việc điều chỉnh bổ sung Quy hoạch điện thành phố Hải Phòng: cấp điện cho KCN Tràng Duệ và Nam Cầu Kiền, KCN DEEP C2, Xi măng Chinfon, các công trình lưới trung áp. Đôn đốc xử lý các trường hợp vi phạm an toàn hành lang lưới điện còn tồn tại trên địa bàn thành phố. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 –2030.

4. Tham mưu tổng kết Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 26/3/2012 của BTV Thành ủy về phát triển thương mại Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Tham mưu UBND thành phố ban hành và triển khai: Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển thị trường trong nước trên địa bàn thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn thành phố. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2025; Phương án dự trữ hàng hóa phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022; các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, phát triển thương mại điện tử. Hướng dẫn thí điểm chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý, kinh doanh, khai thác chợ. Theo dõi sát diễn biến thị trường cung cầu hàng hóa, giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ.

Tiếp tục thực hiện Kế hoạch Hội nhập quốc tế thành phố Hải Phòng năm 2022. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Hướng dẫn, hỗ trợ, cung cấp thông tin đến doanh nghiệp tham gia các chương trình, diễn đàn, triển lãm, hội nghị, tọa đàm trực tiếp và trực tuyến với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế. Tổ chức thực hiện Chương trình Tháng Khuyến mại Hải Phòng năm 2022.

5. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình chuyển đổi số năm 2022 sau khi được UBND thành phố phê duyệt; đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ của các phòng chuyên môn thuộc Sở Công Thương. Tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong: hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, thương mại điện tử, chợ; kinh doanh LPG, thuốc lá, rượu; hoạt động văn phòng đại diện của Thương nhân nước ngoài tại Hải Phòng; mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật của chủ đầu tư đối với công tác nghiệm thu xây dựng công trình hạng mục điện.

TIN MỚI
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement