image banner
Tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 5 và 5 tháng năm 2022

I. Tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 5 và 5 tháng/2022:

Sản xuất công nghiệp:

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2022 ước tăng 0,91% so với tháng 4/2022 và tăng 12,03% so với cùng kỳ. 5 tháng/2022, IIP ước tăng 11,42% so với cùng kỳ. Trong 57 ngành công nghiệp cấp 4, có 25 ngành tăng so với cùng kỳ, một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao như: sản xuất hàng may sẵn trừ trang phục tăng 186,8%; sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính tăng 133,69%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 111,34%; tái chế phế liệu tăng 90,44%; sản xuất mô tô xe máy tăng 74,85%... 32 ngành có IIP giảm, trong đó, một số ngành giảm sâu: sản xuất pin và ắc quy giảm 37,64%; sản xuất phân bón và hợp chất nitơ giảm 30,43%; đóng tàu và cấu kiện nổi giảm 27,25%; sản xuất dây, cáp điện và điện tử khác giảm 19,22%...

Hoạt động thương mại:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5/2022 ước đạt 14.262 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ. 5 tháng/2022 ước đạt 69.686,5 tỷ đồng, tăng 12,04% so với cùng kỳ năm 2021. Hoạt động lưu thông hàng hóa diễn ra bình thường, lượng hàng hóa cung cấp ra thị trường đáp ứng nhu cầu người dân. Trong tháng 5, giá xăng dầu đã có hai lần điều chỉnh tăng, tuy nhiên nguồn cung xăng dầu trên địa bàn vẫn ổn định, không có hiện tượng doanh nghiệp găm hàng, ngừng bán xăng dầu không có lý do chính đáng. Giá mặt hàng thịt lợn, các loại thực phẩm tươi sống và rau xanh tăng nhẹ so với tháng trước, từ 3-5%. Giá thịt tại siêu thị, các cửa hàng thực phẩm sạch cao hơn 5-7% so với tại chợ, giá thịt của các doanh nghiệp thu mua như Công ty Xanh Vinh Phát, Anh Phát thấp hơn so với giá tại chợ từ  6-8%; Giá thịt gà, vịt, các loại trứng gà, trứng vịt trên thị trường không có biến động.

II. Nhiệm vụ trọng tâm tháng 6 năm 2022:

1. Nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Phối hợp với các đơn vị liên quan bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân trên địa bàn thành phố. Theo dõi sát diễn biến thị trường cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thành phố.

2. Phối hợp với Sở Xây dựng, UBND huyện An Dương nghiên cứu, đề xuất việc thành lập CCN phụ trợ Tràng Duệ; Phối hợp với UBND huyện An Lão thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN An Lão. Hoàn thiện báo cáo thẩm định thành lập CCN Tiên Cường I báo cáo UBND thành phố. Hướng dẫn UBND huyện bổ sung một số  (Quyết Tiến, Quang Hưng, An Hồng…) vào Quy hoạch các  thành phố. Tiếp tục theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN đã được thành lập các thủ tục triển khai thực hiện dự án đảm bảo đúng tiến độ và theo quy định của pháp luật. Xây dựng các tiêu chí phân nhóm các cơ sở sản xuất, kho bãi nhỏ lẻ trong đô thị để di dời về các khu, CCN tập trung của thành phố. Tiếp tục triển khai thực hiện các đề án khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương năm 2022. Hoàn thiện dự toán kinh phí tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn thành phố năm 2022 gửi Sở Tài chính thẩm định.

3. Phối hợp với Công ty TNHH MTV điện lực Hải Phòng và các đơn vị hoạt động điện lực đảm bảo cung ứng điện cho hoạt động kinh tế xã hội của thành phố trong các đợt cao điểm nắng nóng sắp tới. Theo dõi quản lý việc đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện theo quy hoạch, tình hình cấp điện tại các KCN; theo dõi, tháo gỡ vướng mắc các dự án công trình điện 110kV, công trình điện trung áp. Phối hợp với cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương về việc điều chỉnh bổ sung Quy hoạch điện thành phố Hải Phòng cấp điện cho KCN Tràng Duệ và Nam Cầu Kiền, KCN DEEP C2, Xi măng Chinfon và điều chỉnh bổ sung Quy hoạch điện thành phố Hải Phòng các công trình lưới trung áp. Đôn đốc xử lý các trường hợp vi phạm an toàn hành lang lưới điện cao áp còn tồn tại trên địa bàn thành phố. Tổ chức lớp tập huấn, kiểm tra sát hạch và cấp thẻ kiểm tra viên điện lực năm 2022.

4. Tham mưu tổng kết Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 26/3/2012 của BTV Thành ủy về phát triển thương mại Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Hướng dẫn, hỗ trợ, cung cấp thông tin đến doanh nghiệp tham gia các chương trình, diễn đàn, triển lãm, hội nghị, tọa đàm trực tiếp và trực tuyến với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế. Phối hợp với Sở Tài Chính hướng dẫn các Sở ngành hoàn thiện dự toán chi tiết triển khai nguồn vốn Hội nhập quốc tế theo quy định. Xây dựng Chương trình xúc tiến tiến thương mại trên địa bàn thành phố Hải Phòng năm 2023 theo Quyết định số 18/2022/QĐ-UBND ngày 14/4/2022 về ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại thành phố. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.

5. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình chuyển đổi số năm 2022 sau khi được UBND thành phố phê duyệt; Thực hiện số hoá các hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC giai đoạn 2014-2020; Hướng dẫn áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đối với các thủ tục hành chính có thu phí, lệ phí. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính của Sở, giải quyết thủ tục hành chính theo mức độ 4.

6. Tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động bán lẻ điện, hoạt động văn phòng đại diện của Thương nhân nước ngoài tại Hải Phòng; hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Kiểm tra quản lý nhà nước về chợ./.

TIN MỚI
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement