image banner
Thông tin vv tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ của ngành Công Thương năm 2023

KẾ HOẠCH

Tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ
của ngành Công Thương năm 202
3

 

 
   

 

Thực hiện Quyết định số 87/QĐ-TTg ngày 12/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ); Thông tư số 02/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20/2/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ; Công văn số 388/BCT-ATMT ngày 30/01/2023 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn triển khai tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023, Sở Công Thương ban hành Kế hoạch tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thúc đẩy các chương trình hành động cụ thể trong các doanh nghiệp, cơ sở ngành Công Thương nhằm cải thiện điều kiện lao động; tăng cường công tác tự kiểm tra, rà soát các nội quy, quy trình bảo đảm ATVSLĐ, kỹ năng đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc.

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động trong việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ, thực thi có hiệu quả Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Yêu cầu

Tổ chức các hoạt động phong phú, thiết thực, hiệu quả, có sự tham gia của doanh nghiệp, cơ sở lao động, người lao động cả trong khu vực có hợp đồng lao động và không có hợp đồng lao động.

II. THỜI GIAN, PHẠM VI VÀ CHỦ ĐỀ THÁNG HÀNH ĐỘNG:

1. Thời gian tổ chức: Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023 được tổ chức từ ngày 01/05/2023 đến ngày 31/05/2023.

2. Phạm vi triển khai: Trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

3. Chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ:

Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc.

III.  NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Các hoạt động trước thời điểm tổ chức tháng hành động

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Tháng hành động về ATVSLĐ.

- Tổ chức tuyên truyền trực quan: treo băng rôn, khẩu hiệu… từ ngày 01/05/2023 đến ngày 31/5/2023 để tuyên truyền, cổ động Tháng hành động về ATVSLĐ tại doanh nghiệp ngành Công Thương trên địa bàn thành phố.

2. Các hoạt động trong Tháng hành động

2.1. Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động:

Tham gia phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các Sở, ngành liên quan tham mưu tổ chức Lễ phát động tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023 cấp thành phố.

 2.2. Các hoạt động khác:

- Tổ chức thông tin tuyên truyền về ATVSLĐ, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, truyền thanh nội bộ để thông tin, tuyên truyền các chế độ, chính sách, các nguyên nhân, nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ; phát động các phòng trào thực hiện tốt công tác ATVSLĐ - phòng chống cháy nổ tại các doanh nghiệp ngành Công Thương.

- Rà soát, xây dựng, bổ sung các quy trình, biện pháp làm việc an toàn, phòng chống cháy nổ tại các bộ phận, phân xưởng; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá rủi ro về an toàn đối với các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.

- Tổ chức một số hoạt động chuyên đề về ATVSLĐ có sự tham gia của doanh nghiệp, người lao động như:

+ Xây dựng nội quy, quy trình làm việc an toàn; hướng dẫn, tư vấn cải thiện điều kiện lao động; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ - phòng chống cháy nổ theo quy định, huấn luyện kỹ năng đánh giá, nhận diện các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ.

+ Chú trọng thông tin, tư vấn, huấn luyện, hướng dẫn các doanh nghiệp, người lao động nhận diện, đánh giá nguy cơ, rủi ro, cải thiện điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh trong các doanh nghiệp, cơ sở, tổ đội, phân xưởng…; chủ động công tác phòng ngừa, huấn luyện kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động.

+ Tổ chức các hoạt động thực hành, thao diễn xử lý các sự cố kỹ thuật về an toàn; thực hành sơ cấp cứu.

+ Tổ chức các hoạt động có sự tham gia phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động, an toàn vệ sinh viên như: tọa đàm, đối thoại, hội thi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình về ATVSLĐ.

- Tham gia phối hợp kiểm tra liên ngành về ATVSLĐ, trong đó tập trung kiểm tra đối với các ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, công tác huấn luyện ATVSLĐ; việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

3. Các hoạt động triển khai sau Tháng hành động

- Tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ cho người lao động theo chủ đề, nội dung đã đặt ra trong Tháng hành động.

- Thực hiện công tác kiểm tra và tự kiểm tra nhằm phát hiện và kịp thời khắc phục những nguy cơ mất an toàn, xử lý các vi phạm về ATVSLĐ - phòng chống cháy nổ.

- Theo dõi, hướng dẫn các doanh nghiệp ngành Công Thương khắc phục các tồn tại, thiếu sót về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ.

- Tổng kết, đánh giá, báo cáo kết quả hoạt động Tháng hành động.

IV.  TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương

- Chủ động phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu tổ chức Lễ phát động tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023 cấp thành phố; tuyên truyền tới các doanh nghiệp ngành Công Thương tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ năm 2023.

- Tham gia phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra công tác ATVSLĐ tại một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

- Tổng hợp, đánh giá kết quả tổ chức Tháng hành động báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Công Thương.

2. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ngành Công Thương

- Xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023 của đơn vị đảm bảo phù hợp, hiệu quả, thiết thực, nhằm phòng ngừa, kiểm soát các nguy cơ rủi ro, tại nạn đảm bảo ATVSLĐ - phòng chống cháy nổ tại nơi làm việc.

- Tổ chức các hoạt động chuyên đề về ATVSLĐ: Tổ chức huấn luyện ATVSLĐ - phòng chống cháy nổ, huấn luyện kỹ năng đánh giá, nhận diện các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động; Tổ chức các hoạt động thực hành, thao diễn xử lý các sự cố kỹ thuật về an toàn; thực hành sơ cấp cứu; Tổ chức các hoạt động có sự tham gia phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động, an toàn vệ sinh viên như: tọa đàm, đối thoại, hội thi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình về ATVSLĐ; Tổ chức ký cam kết thực hiện tốt công tác ATVSLĐ - phòng chống cháy nổ, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện lao động trong các phân xưởng, đội, tổ sản xuất.

- Rà soát, bổ sung nội quy, quy trình vận hành các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và các biện pháp phòng chống cháy nổ tại cơ quan, đơn vị đảm bảo an toàn tuyệt đối không để xảy ra các sự cố gây mất an toàn lao động và cháy nổ.

- Không ngừng cải thiện điều kiện làm việc, môi trường làm việc cho người lao động nhằm hạn chế, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

- Thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động đặc biệt các chế độ, chính sách liên quan công tác ATVSLĐ; Tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

- Thực hiện tốt công tác tự kiểm tra về ATVSLĐ, đánh giá các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ - phòng chống cháy nổ tại tại nơi làm việc để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những nguy cơ gây mất an toàn lao động và cháy nổ có thể xảy ra, đặc biệt đối với các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.

- Tuyên truyền tới người sử dụng lao động, người lao động để cập nhật kịp thời những thông tin, kiến thức cần thiết về công tác ATVSLĐ và biết cách xử lý các tình huống tai nạn lao động và cháy nổ tại công trường, nơi làm việc...

- Treo băng rôn, khẩu hiệu… hưởng ứng Tháng hành động tại doanh nghiệp từ ngày 01/05/2023 đến ngày 31/5/2023 để tuyên truyền, cổ động Tháng hành động về ATVSLĐ.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, các doanh nghiệp, cơ sở chủ động phản ánh về Sở Công Thương để tổng hợp, xem xét, giải quyết./.

 

KHẨU HIỆU HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG
VỀ ATVSLĐ NĂM 2023

 

 
   

1. Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023.

2. Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc.

3. Thực hiện nghiêm các nội quy, quy trình, giải pháp đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc.

4. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện ATVSLĐ.

5. Doanh nghiệp và người lao động chủ động thực hiện các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm về ATVSLĐ.

6. Hãy nghĩ về an toàn trước khi hành động.

7. Chủ động rà soát, đánh giá các nguy cơ, rủi ro mất ATVSLĐ.

8. Môi trường làm việc an toàn - Tốt cho bạn, cho doanh nghiệp.

9. Tham gia bảo hiểm tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vì an toàn và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và người lao động.

Tài liệu đính kèm:

TIN MỚI
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement