image banner
NGHỆ NHÂN PHẠM NGỌC LÂM: LUÔN HẾT MÌNH VỚI NHỮNG ĐAM MÊ

NGHỆ NHÂN PHẠM NGỌC LÂM: LUÔN HẾT MÌNH VỚI NHỮNG ĐAM MÊ

Ngoài danh xưng yêu kiều “Thành phố hoa phượng đỏ”, Hải Phòng còn từng được nhắc đến là thành phố của những “Tiếng búa tiếng choang tiếng goòng ken két/Tiếng xô đá tiếng gò tôn tiếng bánh xe nghiền nát”[*]. Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghiệp, những nhà máy dây chuyền thiết bị hiện đại, khép kín mọc lên khắp nơi, nhưng đâu đó trong những con phố nhỏ, vẫn vang lên những thanh âm xưa gợi nhớ về một thời cần lao nặng nhọc. Góp phần lưu giữ những thanh âm đặc trưng đó của Hải Phòng, là đôi tay nhà điêu khắc – nghệ nhân Phạm Ngọc Lâm.

Phạm Ngọc Lâm sinh năm 1940. Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước vẫn chìm trong khói lửa chiến tranh, sau một thời gian theo học vẽ và gò đồng từ ông nội (Họa sĩ, nghệ nhân Phạm Ngọc Khâm), bố (ông Phạm Văn Quí) và các bác thợ lành nghề của làng nghề Đại Bái, Gia Lương tại xưởng nghề ở phố chợ Hàng Da, Hà Nội, năm 1962, ông lên đường nhập ngũ. Nhận thấy khả năng hội họa của ông, đơn vị giao nhiệm vụ cho ông đi thâm nhập vẽ ký họa tại chiến trường. Năm 1969, ông được cử đi học tại trường Đại học Mỹ thuật để hoàn chỉnh tri thức mỹ thuật ở trình độ cao nhằm ứng dụng vào nghề thủ công gò đồng truyền thống. Ông may mắn được học hỏi từ những bậc kỳ tài trong lĩnh vực mỹ thuật, đó là Phó giáo sư – Nhà giáo Nhân dân – Họa sĩ Lương Xuân Nhị, Phó Giáo sư – Họa sĩ Nguyễn Đức Nùng, Phó Giáo sư – Nhà giáo Nhân dân Phạm Gia Giang, Viện trưởng Viện Mỹ thuật Việt Nam – Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, Họa sĩ – Viện sĩ Trần Văn Cầu.

Tác phẩm gò đồng xưa chỉ thiên về đề tài “Chim – hoa – lá – cá” với kích cỡ nhỏ; Sau khi được trang bị kiến thức về hình khối cơ bản, về giải phẫu cơ thể con người và phương pháp bố cục hoàn chỉnh cho tác phẩm, Phạm Ngọc Lâm đã bổ khuyết được phương pháp tạo hình con người bài bản, kỹ năng thiết kế bố cục các bức tranh phù điêu gò đồng cỡ lớn để làm phong phú thêm những tác phẩm của mình. Từ đó đến nay, tại các cuộc triển lãm, trong bảo tàng, ở các công trình công cộng ... đã xuất hiện những “Mẹ Cổ Am”, “Chân dung thiếu nữ Việt Nam bay”, “Hiệp sĩ Don Qui Cho Te”, “Người họa sĩ già đang suy tư điều gì”, “Em bé da cam”, “Về với cội nguồn”, “Hơi thở đại dương”, “Đến với Việt Nam”, “Hái quả” v.v... vừa hoành tráng về kích thước, vừa mềm mại về đường nét, vừa gần gũi với cuộc sống. Phạm Ngọc Lâm đã đưa được cuộc sống, hình ảnh con người vào tác phẩm gò đồng của mình.

Thưởng thức tác phẩm của Phạm Ngọc Lâm, chúng ta sẽ cảm nhận được: Tình yêu quê hương đất nước sâu sắc của tác giả được chuyển tải qua những bức tranh đồng tả cảnh lễ hội trước cổng làng (tác phẩm “Về với cội nguồn”), cảnh bộ đội pháo binh cùng dân công gùi tải đạn ở “Voi Trường Sơn”, cảnh “Bình minh trên biển đảo tiền tiêu” ...; Phút thăng hoa với “Ban nhạc đồng nát”, cùng “Nàng tiên cá” cạnh “Thuyền biển” ..., hay trầm tư trước “Phật bà thiên thủ thiên nhỡn”, với “Người họa sĩ già”, đắm đuối trong “Giọt nước mắt của biển”; Chúng ta cũng đồng cảm với những trăn trở về “Nỗi đau nhân thế”, “Em bé da cam” cùng “Con thuyền đi đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”. Phạm Ngọc Lâm đã gửi vào tác phẩm của mình “Ước vọng về một ngành vật liệu cách điện cho ngành điện Việt Nam”, khát vọng hòa bình, chào đón “Thế giới đến với Việt Nam”.

Sử dụng điêu luyện bộ dụng cụ tự chế bằng thép và gỗ lim để gò đồng, Phạm Ngọc Lâm đã chinh phục những tấm kim loại vốn dĩ cứng rắn, lạnh lùng thành những tác phẩm đạt tính kỹ mỹ thuật cao, hàm chứa giá trị nhân văn cao đẹp, mang đậm dấu ấn cá nhân.

Trong 60 năm làm nghề, ông đã đào tạo truyền nghề cho trên 260 người; Đạt được nhiều giải thưởng: Giải đặc biệt Quỹ Thụy Điển Việt Nam phát triển văn hóa tại Triển lãm điêu khắc toàn quốc lần thứ IV 1993 – 2003; Giải khuyến khích tại triển lãm điêu khắc toàn quốc năm 2003; Cúp vàng phát triển bền vũng vì sự nghiệp xanh Việt Nam năm 2004; Giải C Triển lãm mỹ thuật khu vực II năm 2012; Giải đồng hạng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2001 – 2005; Giải khuyến khích Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2001-2005; Giải tặng thưởng Triển lãm mỹ thuật khu vực II năm 2001, 2003; Giải ba Giải thưởng văn nghệ thành phố Hoa phượng đỏ năm 1991; Giải khuyến khích tại Cuộc thi sáng tác Nhiếp ảnh, Mỹ thuật năm 2013; Có 02 tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 01 tác phẩm được trưng bày ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Ngoài ra, ông đã được tặng: 03 Kỷ niệm chương về hoạt động cách mạng và mỹ thuật; Các bằng khen, giấy khen về những đóng góp trong hoạt động mỹ thuật, tiểu thủ công nghiệp; Các Kỷ niệm chương: Chiến sĩ Trường Sơn đường Hồ Chí Minh, Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, Đã có nhiều cống hiến trong công tác vận tải quân sự; Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam; danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam năm 2008.

Với tài năng và cống hiến của mình, Nghệ nhân Phạm Ngọc Lâm vinh dự được Chủ tịch UBND thành phố phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hải Phòng” năm 2010, và gần đây, ông đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” năm 2016.

 

Thông tin liên hệ:       Nghệ nhân Phạm Ngọc Lâm.

Địa chỉ:                       17 Lương Văn Can, Ngô Quyền, Hải Phòng.

Điện thoại:                   0936.424.578.

 

MỘT SỐ SẢN PHẨM TIÊU BIỂU CỦA NGHỆ NHÂN PHẠM NGỌC LÂM:


















 

 



[*] Thơ Lưu Quang Vũ

TIN MỚI

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement