NGHỆ NHÂN LÊ ĐỨC ĐÔN: VỮNG TÂM HƯỚNG TỚI CHÂN – THIỆN – MỸ
Những năm 80 của thế kỷ trước, các đơn vị may mặc trong thành phố không ai là không biết đến ông Lê Đức Đôn – người đã thiết kế hàng trăm mẫu trang phục cho các tầng lớp nhân dân, từ trẻ nhỏ tới người cao tuổi, từ đồng phục học đường đến đồng phục công nhân, từ những bộ quần áo đời thường tới những bộ lễ phục dân tộc … Mỗi thiết kế trang phục của ông đều thể hiện được đặc trưng nghề nghiệp, lứa tuổi, giới tính của người mặc.
Sinh năm 1938 tại thôn Tư Sinh, xã Hợp Đức, huyện Kiến Thụy (nay là phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn), năm 17 tuổi, ông Đôn theo học nghề người anh họ ngoại là Đỗ Năng Dêu chuyên về quần áo dân tộc nam nữ. 5 năm sau, ông tiếp tục học cắt may âu phục nam nữ từ một người anh họ khác tại hiệu may Hữu Thục.
Không chỉ biết sử dụng chiếc kéo, cây kim, ông Đôn còn sử dụng cây bút để thiết kế hàng trăm bộ trang phục được các xí nghiệp, nhà máy dùng làm mẫu sản xuất hàng loạt. Ông là cán bộ kỹ thuật bậc 7/7 – họa sĩ thiết kế thời trang của cửa hàng may đo thành phố giai đoạn 1970 – 1995; Ông cũng chính là tác giả của 100 bộ mẫu được Tổng Công đoàn Việt Nam trao Huy hiệu lao động sáng tạo năm 1990 – bộ mẫu đầu tiên về may mặc trong toàn quốc được tặng thưởng.
Những loại sản phẩm của ông được đánh giá cao là áo kép bông chần hạt lựu và caro vận 2 mặt, áo dài phụ nữ Việt Nam bằng vải nhung lụa và các loại vải cao cấp, áo dài Thượng Hải 2 lớp, áo dài tứ thân, áo tế, áo biểu diễn nghệ thuật tuồng cổ, cải lương, chèo, áo veston và áo măng tô san nam nữ loại vải ca rô. Ông luôn tỷ mẩn trong mỗi đường cắt, mũi khâu, chú trọng tính đối xứng của từng họa tiết để tạo được những sản phẩm hoàn mỹ nhất cho người mặc. Với ông, những bộ trang phục dù bình thường nhất cũng chứa đựng cái tâm hướng tới chân – thiện – mỹ của người thợ may, khi may không bớt vải, tráo vải, đó là cái chân, không vì bán được sản phẩm mà đưa cho người mặc những trang phục không phù hợp, đó là cái thiện, và dùng tài năng để tạo nên những trang phục đẹp với người mặc, đó là cái mỹ.
Từ người thợ may giỏi, ông Đôn được nhiều cơ sở dạy nghề, nhiều đơn vị mời về giảng dạy. Ông đã biên soạn 16 bộ giáo trình sử dụng trong công tác giảng dạy cắt may tại các lớp dạy nghề thuộc Trung tâm dạy nghề Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Trung tâm giới thiệu việc làm Hải Phòng, chương trình đào tạo nghề cho người hồi hương thuộc dự án EC và JIVC … Đối tượng học viên của ông rất đa dạng, có cả học sinh người Campuchia, số lượng học sinh được ông dạy nghề lên đến hàng nghìn người.
Ông nhận được 05 Bằng khen, 14 Giấy khen về các thành tích đạt được trong quá trình công tác; Được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp các hội khoa học và kỹ thuật năm 2014; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi Việt Nam năm 2014.
Với tài năng và cống hiến của mình, Nghệ nhân Lê Đức Đôn vinh dự được Chủ tịch UBND thành phố phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hải Phòng” năm 2014, và gần đây, ông đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” năm 2016.
Thông tin liên hệ: Nghệ nhân Lê Đức Đôn.
Địa chỉ: 17/3 Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng.
Số điện thoại: 0313.842357/0976.758.256.
|
MỘT SỐ SẢN PHẨM TIÊU BIỂU CỦA NGHỆ NHÂN LÊ ĐỨC ĐÔN: