Về việc tăng cường quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thành phố
Trong thời gian qua, Chính phủ, các Bộ ngành và thành phố đã ban hành
nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc về công tác phòng, chống, xử lý các hành vi sản
xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành
vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo
lường, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật khác. Tuy
nhiên, thời gian gần đây lực lượng chức năng liên tiếp kiểm tra, phát hiện một số
doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, quảng cáo, phân phối nhiều loại sữa
giả; thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, một số mặt hàng tiêu dùng như
mì chính, bột canh giả tại một số địa phương. Đáng lưu ý là hoạt động sản xuất,
buôn bán các loại hàng giả này đã kéo dài nhiều năm gây ảnh hưởng trực tiếp
đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc quản
lý, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hoạt động sản xuất, buôn
bán hàng giả, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng,
với vai trò là cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân thành phố trong công tác
quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng trên địa bàn thành phố, Sở Công Thương đề nghị:
1. Các Sở, ngành, cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội; Ủy ban
nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủy Nguyên; các doanh nghiệp sản xuất,
kinh doanh trên địa bàn; cộng đồng người tiêu dùng trên địa bàn tích cực tuyên
truyền, lan tỏa thông điệp “Tiêu dùng an toàn, trách nhiệm” đối với toàn hệ thống
chính trị, nâng cao nhận thức về hàng hóa, chất lượng sản phẩm, lựa chọn sản
phẩm phù hợp và an toàn, có nguồn gốc xuất xứ; kiên quyết ngăn chặn và đẩy
lùi hành vi sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không
đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên thị trường, hình thành và tạo lập môi
trường xanh, kinh doanh lành mạnh, hướng tới xã hội tiêu dùng bền vững.
2. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phải sản xuất,
cung cấp dịch vụ đảm bảo an toàn, chất lượng vì người tiêu dùng; các thông tin
về sản phẩm, hàng hóa phải công khai, minh bạch, được kiểm chứng, kiểm
nghiệm; trường hợp phát hiện sai phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh của
các đơn vị khác; kịp thời báo cơ quan có chức năng theo thẩm quyền để xử lý
theo quy định; không tiếp tay cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng
nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
3. Các Sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ quản lý chuyên
ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an
ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ
chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực
phẩm, vi phạm quy định về chất lượng hàng hóa; sản xuất, lưu thông, tiêu thụ
hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; xử lý nghiêm các hành
vi phát ngôn, quảng cáo sai sự thật về chất lượng, nguồn gốc của hàng hóa, dịch
vụ.
4. Yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường bám sát diễn biến thị trường, chủ
động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tại địa phương tăng cường
kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành
vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, sữa giả, thuốc giả, hàng tiêu dùng giả;
đặc biệt tại các kênh bán nhỏ lẻ, đại lý không chính thức, sàn thương mại điện tử
và mạng xã hội, nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hàng giả, hàng không rõ nguồn
gốc, hàng kém chất lượng.
Sở Công Thương đề nghị các Sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp và
cộng đồng người tiêu dùng trên địa bàn quan tâm, thực hiện./