Tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 8 và 8 tháng năm 2024
1. Về sản xuất công nghiệp
- Kế hoạch năm: tăng 15% so năm 2023.
- Kết quả thực hiện: Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2024 ước tăng 17,24% so tháng 7/2024 và tăng 11,93% so với cùng kỳ (tháng 8/2023 tăng 26,43% so với tháng 7/2023 và tăng 15,69% so với cùng kỳ). Tính chung 8 tháng/2024, IIP ước tăng 15,14% so với cùng kỳ (8 tháng/2023 tăng 11,55% so với cùng kỳ).
Trong đó, ngành khai khoáng ước tháng 8 giảm 8,09% so tháng 7/2024, giảm 77,44% so cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 18,69% so tháng 7/2024, tăng 13,31% so cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện, khí, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 16,57% so tháng 7/2024, giảm 20,41% so cùng kỳ; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,17% so tháng 7/2024, tăng 0,52% so cùng kỳ.
* Trong tháng 8/2024:
- Trong 65 phân ngành cấp 4, có 29 ngành có IIP tăng, 36 ngành có IIP giảm so với cùng kỳ.
- Những ngành có tốc độ tăng IIP cao trong tháng 8/2024 so với cùng kỳ và có đóng góp tích cực cho tăng trưởng công nghiệp của thành phố là: sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính (+173,51%); sản xuất xe có động cơ (+110,32%); sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao (+64,23%); sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) (+25%); sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng (+18,07%); …
- Những ngành có tốc độ giảm IIP trong tháng 8/2024 so với cùng kỳ và tác động tới tốc độ tăng IIP của toàn ngành công nghiệp như: sản xuất linh kiện điện tử (-24,84%); sản xuất plastic và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh (-63,24%); sản xuất máy chuyên dụng khác (-25,14%); sản xuất truyền tải & phân phối điện (-20,41%); …
* Trong 8 tháng/2024:
- Trong 65 ngành phân ngành cấp 4, có 39 ngành có IIP tăng, 26 ngành có IIP giảm so với cùng kỳ 8 tháng năm 2023.
- Những ngành có tốc độ tăng IIP cao như: sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính (+127,04%); sản xuất xe có động cơ (+53,60%); sản xuất đồ điện dân dụng (+27,54%); đóng tàu và cấu kiện nổi (+24,67%); sản xuất đồ chơi, trò chơi (+57,79%); …
- Một số ngành giảm như: sản xuất plastic và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh (-61,82%); sản xuất các cấu kiện kim loại (-19,53%); sản xuất bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động (-38,21%); sản xuất mô tô, xe máy (-21,6%); …
- Một số sản phẩm trong 8 tháng/2024 tăng cao so với cùng kỳ: đồng hồ thông minh có giá từ 6 đến dưới 10 triệu (+750,26%); thiết bị nhập theo toạ độ x-y: chuột, bút quang, cần điều khiển, bi xoay, và màn hình cảm ứng (+139,38%); máy tính xách tay, kể cả notebook và subnotebook (+117,37%); máy xử lý dữ liệu tự động kỹ thuật số thể hiện ở dạng hệ thống (+92,85%); máy cắt cỏ cho sân cỏ, công viên, sân thể thao (+90,30%); …
2. Về hoạt động thương mại
- Kế hoạch năm: đạt 222.550 tỷ đồng.
- Kết quả thực hiện: Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 8 ước đạt 19.189,0 tỷ đồng, tăng 1,21% so tháng 7/2024, tăng 14,03% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 15.715,1 tỷ đồng, tăng 1,65% so với tháng 7/2024 và tăng 14,01% so với cùng kỳ; doanh thu khách sạn nhà hàng ước đạt 2.474,0 tỷ đồng, tăng 0,66% so với tháng 7/2024 và tăng 15,03% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 41,2 tỷ đồng, giảm 32,65% so với tháng 7/2024 và tăng 12,79% so với cùng kỳ; dịch vụ khác ước đạt 958,5 tỷ đồng, giảm 2,27% so với tháng 7/2024 và tăng 11,85% so với cùng kỳ.
Tính chung 8 tháng/2024 ước đạt 146.859,2 tỷ đồng, tăng 13,35% so với cùng kỳ, đạt 66% kế hoạch. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 121.910,5 tỷ đồng, tăng 15,12% so với cùng kỳ; doanh thu khách sạn nhà hàng ước đạt 17.318,2 tỷ đồng, tăng 14,81% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 227,2 tỷ đồng, tăng 12,58% so với cùng kỳ; dịch vụ khác ước đạt 7.403,2 tỷ đồng, tăng 5,21% so với cùng kỳ.
- Tình hình thị trường cung cầu, giá cả hàng hóa:
Từ ngày 01/7/2024, lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Những kỳ tăng lương trước, ngay khi tăng lương, giá hàng hóa đồng loạt tăng theo nhưng ở kỳ tăng lương này, chỉ một số mặt hàng thiết yếu tăng giá nhẹ, thị trường được ghi nhận cơ bản ổn định, bảo đảm nguồn cung hàng hóa, cân đối cung - cầu.
Ghi nhận thực tế, tính đến thời điểm hiện tại thì giá cả hàng hóa các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại nhà phân phối, bán lẻ lớn như Co.opmart, Go, Mega Market, Aeon Mall Hải Phòng luôn có kế hoạch dài hạn về nguồn hàng, ký kết hợp đồng với các đối tác kinh doanh... từ đó giá cả hàng hóa được đảm bảo ổn định trong dài hạn, không biến động đáng kể so với trước thời điểm ngày 01/7/2024.
Sở Công Thương tăng cường nắm bắt diễn biến giá cả hàng hóa, tình hình cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu; tiếp nhận kịp thời các văn bản thông báo hoạt động khuyến mại của các đơn vị, doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kích cầu tiêu dùng theo quy định. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc quản lý giá, giữ thị trường hàng hóa ở mức bình ổn, không để xảy ra tình trạng găm hàng, đầu cơ tăng giá bất hợp lý trên địa bàn.
3. Hoạt động xuất nhập khẩu
- Kế hoạch năm: Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 33 tỷ USD. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 32 tỷ USD.
- Kết quả thực hiện:
* Kim ngạch xuất khẩu: Tháng 8/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3.000 triệu USD, tăng 3,45% so với tháng 7/2024 và tăng 17,1% so cùng kỳ. 8 tháng/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 22.941 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ, đạt 69,52% kế hoạch năm.
* Kim ngạch nhập khẩu: Tháng 8/2024, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2.600 triệu USD, bằng so với tháng 7/2024 và tăng 16,3% so cùng kỳ. 8 tháng/2024, tổng kim ngạch nhập khẩu ước 18.678 triệu USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ, đạt 58,06% kế hoạch năm.
Từ tháng 4/2024, cước vận tải container đường biển quốc tế tăng mạnh trở lại, có thời điểm tăng bằng với thời điểm xảy ra dịch COVID-19 (giai đoạn 2020-2021) đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa nói riêng, hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung của các doanh nghiệp. Trước tình hình trên, Sở Công Thương cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần đàm phán hợp đồng kỹ lưỡng với các nhà nhập khẩu, tiết giảm chi phí sản xuất, chuyển đổi theo hướng sản có giá trị gia tăng hơn; hướng dẫn thủ tục, hồ sơ xin Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi tận dụng được các ưu đãi thuế quan và thông tin các hội thảo, hội nghị nhằm kết nối, đa dạng hóa thị trường phù hợp với tình hình vận tải.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa của thành phố ước tính xuất siêu 4.263 triệu USD.
4. Sản xuất - kinh doanh điện
* Điện mua vào:
- Kế hoạch năm: 8.794.315.488 KWh.
- Kết quả thực hiện: tháng 8/2024 ước đạt 873.963.083 KWh, giảm 3,13% so tháng 7/2024, tăng 10,31% so với cùng kỳ. 8 tháng/2024 ước đạt 6.146.608.877 KWh, tăng 11,14% so với cùng kỳ, đạt 69,89% so với kế hoạch năm.
* Điện thương phẩm:
- Kế hoạch năm: 8.550.070.204 KWh.
- Kết quả thực hiện: Tháng 8/2024 ước đạt 845.000.000 KWh, giảm 2,44% so tháng 7/2024, tăng 5,76% so với cùng kỳ. Trong đó: Công nghiệp, Xây dựng: 523.944.555 KWh, tăng 3,28% so tháng 7/2024, tăng 15,50% so với cùng kỳ; Quản lý và Tiêu dùng dân cư: 261.704.729 KWh, giảm 11,69% so tháng 7/2024, giảm 10,29% so với cùng kỳ; Thương nghiệp, Khách sạn, Nhà hàng 33.443.822 KWh, giảm 10,14% so tháng 7/2024, tăng 3,73% so với cùng kỳ; Các hoạt động khác: 23.148.240 KWh, tăng 4,34% so tháng 7/2024, tăng 28,20% so với cùng kỳ.
8 tháng/2024 ước đạt 5.934.810.935 KWh, tăng 11.93% so với cùng kỳ, đạt 69,41% so với kế hoạch năm. Trong đó: Công nghiệp, Xây dựng: 3.628.974.338 KWh, tăng 14,53% so với cùng kỳ; Quản lý và Tiêu dùng dân cư: 1.913.257.507 KWh, tăng 6,46% so với cùng kỳ; Thương nghiệp, Khách sạn, Nhà hàng 221.647.897 KWh, tăng 11,88%; Các hoạt động khác: 150.308.458 KWh, tăng 29,14% so với cùng kỳ.
* Tình hình cung ứng điện trên địa bàn thành phố:
Nhằm tiếp tục đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, trong bối cảnh nhu cầu điện liên tục tăng cao và trong tháng đã xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn ở nhiều khu vực trên địa bàn thành phố gây ảnh hưởng đến cung cấp điện cũng như một số công trình lưới điện, Sở Công Thương tham mưu, báo cáo UBND thành phố công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, thực hiện tiết kiệm điện 6 tháng đầu năm 2024, kế hoạch công tác năm 2024. Phối hợp với UBND: quận Hải An, huyện Thủy Nguyên, huyện Tiên Lãng tổ chức Hội nghị tập huấn, tuyên truyền về công tác an toàn điện, tiết kiệm điện trên địa bàn quận, huyện thành phó đến các đối tượng hộ gia đình, chủ nhà trọ, cơ sở sản xuất - kinh doanh, tổ trưởng tổ dân phố, cụm dân cư, người quản lý thực hiện, tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.