Tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 01 năm 2025
1. Về sản xuất công nghiệp
- Kế hoạch năm: tăng 17% so với năm 2024.
- Kết quả thực hiện: Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 01/2025 ước giảm 13,33% so với tháng 12/2024 và tăng 15,16% so với cùng kỳ.
Trong đó, tháng 1/2025, ngành khai khoảng ước giảm 14,56% so tháng 12/2024, giảm 47,48% so cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 13,61% so tháng 12/2024, tăng 16,32% so cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện, khí, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 4,55% so tháng 12/2024, giảm 12,1% so cùng kỳ; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,93% so tháng 12/2024, tăng 0,14% so cùng kỳ.
Trong 65 phân ngành cấp 4, có 32 ngành có IIP tăng, 33 ngành có IIP giảm so với cùng kỳ.
Những ngành có tốc độ tăng IIP cao như: Sản xuất linh kiện điện tử (+10,6%); Sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện (+34,5%); Sản xuất bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động (+36,9%); Sản xuất xe có động cơ (+293,6%); …
- Một số ngành giảm như: Sản xuất thiết bị dây dẫn điện các loại (-39,85%); Sản xuất thiết bị truyền thông (-14,65%); Sản xuất thùng, bể chứa và dụng cụ chứa đựng bằng kim loại (-53,16%); Sản xuất săm, lốp cao su; đắp và tái chế lốp cao su (-46,36%); ...
- Một số sản phẩm trong tháng 1/2025 tăng cao so với cùng kỳ: Tủ lạnh và đông lạnh liên hợp (có buồng làm đá và làm lạnh riêng biệt), có các cửa mở riêng biệt, loại sử dụng trong gia đình (+20,52%); Màn hình sử dụng ống đèn hình tia catốt (+52,25%); Máy biến đổi điện quay (+52,85%); Tổ máy phát điện khác (+275%); xe có động cơ chở dưới 10 người, có động cơ đốt trong kiểu piston đốt cháy bằng tia lửa điện với dung tích xi lanh > 1500 cc và ≤ 3000 cc (+295,1%); …
* Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn:
Mặc dù sản xuất công nghiệp trong tháng 1/2025 tiếp tục ghi nhận sự suy giảm so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm trước lại có mức tăng khá cao. Hoạt động sản xuất công nghiệp trong những ngày cuối của năm Giáp Thìn 2024 cũng là thời điểm khởi đầu năm mới 2025, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tập trung đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành các đơn hàng theo kế hoạch đã đề ra.
2. Về hoạt động thương mại nội địa
- Kế hoạch năm: đạt 250.200 tỷ đồng.
- Kết quả thực hiện: Tổng mức bán lẻ hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 01/2025 ước đạt 20.695,8 tỷ đồng, tăng 1,54% so với tháng 12/2024 và tăng 14,08% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 14.462,7 tỷ đồng, tăng 2,95% so với tháng 12/2024 và tăng 14,58% so với cùng kỳ; doanh thu khách sạn nhà hàng ước đạt 2.324,0 tỷ đồng, giảm 3,74% so với tháng 12/2024 và tăng 14,35% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 7,9 tỷ đồng, giảm 14,32% so với tháng 12/2024 và tăng 3,95% so với cùng kỳ; dịch vụ khác ước đạt 901,1 tỷ đồng, giảm 9,41% so với tháng 12/2024 và tăng 4,71% so với cùng kỳ.
- Tình hình thị trường cung cầu, giá cả hàng hóa:
Tình hình cung cầu hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố Hải Phòng ổn định; giá cả các mặt hàng thiết yếu tại các chợ, siêu thị, cửa hàng, các doanh nghiệp cung ứng lớn trên địa bàn thành phố không có tăng giá đột biến do nguồn cung các mặt hàng phong phú, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Về nhu cầu, thị trường hàng hoá giai đoạn dịp Tết Nguyên đán dự kiến sôi động hơn so với cùng kỳ năm trước, ước nhu cầu sẽ tăng khoảng 5-8% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng đặc sản vùng miền, hàng hoá chất lượng cao, các sản phẩm của các thương hiệu Việt được người dân quan tâm mua sắm và tiêu dùng.
Về nguồn cung, mùa đông năm nay, điều kiện thời tiết thuận lợi, không xuất hiện dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi. Hàng hóa phục vụ dịp Tết năm nay đa dạng về số lượng, chủng loại và mẫu mã, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân. Nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn thành phố cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng nguồn cung các mặt hàng thiết yếu dựa trên nhu cầu tiêu thụ hàng năm và sức mua hiện tại, triển khai đồng loạt nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng, tăng doanh số bán hàng.
Các doanh nghiệp như hệ thống siêu thị, các doanh nghiệp đầu mối phân phối các mặt hàng thiết yếu đều xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng trung bình 10-12% so với cùng kỳ, tăng 30 – 50% so với ngày thường; riêng siêu thị Aeon Hải Phòng Lê Chân có kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng 15% so với cùng kỳ. Hàng hóa tại các siêu thị, các cửa hàng tiện ích luân chuyển theo chu kỳ 01 - 07 ngày/lần tùy thuộc vào từng mặt hàng và nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn.
Sở Công Thương đề nghị các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố một số nội dung như đăng ký tham gia Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố, chủ động rà soát nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa, điều tiết nguồn hàng hợp lý và kịp thời, đáp ứng nhu cầu thị trường trong các dịp cao điểm, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, chủ động thực hiện các biện pháp nhằm ổn định giá cả, cung cầu hàng hóa, các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ trong nước, hàng hóa có tem nhãn mác, hạn sử dụng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các tháng cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; Đối với việc cung ứng nhiên liệu xăng dầu trên địa bàn, đề nghị các kho xăng dầu và mạng lưới bán lẻ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu xăng dầu trước, trong và sau Tết trên địa bàn thành phố.
3. Hoạt động xuất nhập khẩu
- Kế hoạch năm: Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 37 tỷ USD. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 32 tỷ USD.
- Kết quả thực hiện: Tháng 01/2025, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.400 triệu USD, tăng 9% so cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2.000 triệu USD, tăng 5% so cùng kỳ.
4. Sản xuất - kinh doanh điện
- Điện mua vào:
Tháng 01/2025 ước đạt 644.370.000 KWh, giảm 5,11% so với cùng kỳ, giảm 12,75% so với tháng 12/2024.
- Điện thương phẩm:
Tháng 01/2025 ước đạt 620.000.000 KWh, giảm 3,67% so với cùng kỳ, giảm 12,99% so với tháng 12/2024. Trong đó, Công nghiệp, Xây dựng ước đạt 384.432.691 KWh, giảm 7,18% so với cùng kỳ, giảm 20,0% so với tháng 12/2024; Thương nghiệp, Khách sạn, Nhà hàng ước đạt 24.538.663 KWh, tăng 22,58% so với cùng kỳ, tăng 9,56% so với tháng 12/2024; Quản lý và Tiêu dùng dân cư: ước đạt 192.020.038 KWh, giảm 0,37% so với cùng kỳ, tăng 0,82% so với tháng 12/2024.
* Tình hình cung ứng điện trên địa bàn thành phố:
Tình hình cung ứng điện trên địa bàn luôn đảm bảo an toàn, ổn định, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong dịp trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Sở Công Thương tăng cường hoạt động kiểm tra Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng và các đơn vị hoạt động điện lực lĩnh vực hoạt động phân phối và bán lẻ điện về công tác cấp điện cho nhân dân, cho các phụ tải điện quan trọng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ; đề nghị các đơn vị chủ động xây dựng phương án bảo đảm cung cấp điện an toàn, phòng, chống cháy nổ; tổ chức phân công, ứng trực 24/24 giờ cũng như chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư thiết bị, sẵn sàng xử lý các tình huống trong dịp trước, trong và sau Tết. Đề nghị các Công ty Cổ phần Lâm Thịnh; Công ty TNHH Vsip Hải Phòng; Công ty Cổ phần Điện Thịnh Phát; Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng; Công ty CP Kinh doanh điện Nam Đình Vũ; Công ty TNHH Liên hợp đầu tư Thâm Việt; Công ty phát triển KCN Nhật Bản- Hải Phòng; Công ty TNHH Năng lượng xanh Deep C (Việt Nam) rà soát Danh sách ưu tiên cấp điện năm 2025 khi hệ thống điện quốc gia xảy ra thiếu nguồn.