Tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 9 và 9 tháng năm 2024
1. Về sản xuất công nghiệp
- Kế hoạch năm: tăng 15% so năm 2023.
- Kết quả thực hiện: Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9/2024 ước giảm 8,39% so tháng 8/2024 và tăng 3,48% so với cùng kỳ (tháng 9/2023 tăng 1,61% so với tháng 8/2023 và tăng 19,31% so với cùng kỳ). Tính chung 9 tháng/2024, IIP ước tăng 15,14% so với cùng kỳ (9 tháng/2023 tăng 12,47% so với cùng kỳ).
Trong đó, 9 tháng/2024, ngành khai khoáng ước giảm 48,06% so tháng 8/2024, giảm 64,67% so cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước giảm 8,91% so tháng 8/2024, tăng 3,53% so cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện, khí, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 8,49% so tháng 8/2024, tăng 3,12% so cùng kỳ; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,71% so tháng 8/2024, tăng 1,99% so cùng kỳ.
* Trong tháng 9/2024:
- Trong 65 phân ngành cấp 4, có 32 ngành có IIP tăng, 33 ngành có IIP giảm so với cùng kỳ.
- Những ngành có tốc độ tăng IIP cao trong tháng 9/2024 so với cùng kỳ và có đóng góp tích cực cho tăng trưởng công nghiệp của thành phố là: sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện (+74,43%); sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng (trừ máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính) (+34,86%); sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) (+141,94%); sản xuất xe có động cơ (+51,23%); đóng tàu và cấu kiện nổi (+36,08%); sản xuất linh kiện điện tử (+17,63%); …
- Những ngành có tốc độ giảm IIP trong tháng 9/2024 so với cùng kỳ và tác động tới tốc độ tăng IIP của toàn ngành công nghiệp như: sản xuất các cấu kiện kim loại (-19,65%); sản xuất plastic và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh (-45,29%); sản xuất săm, lốp cao su; đắp và tái chế lốp cao su (-49,88%); sản xuất máy chuyên dụng khác (-25,35%); …
* Trong 9 tháng/2024:
- Trong 65 ngành phân ngành cấp 4, có 36 ngành có IIP tăng, 29 ngành có IIP giảm so với cùng kỳ.
- Những ngành có tốc độ tăng IIP cao như: sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính (+106,17%); sản xuất xe có động cơ (+56,38%); sản xuất đồ điện dân dụng (+21,87%); đóng tàu và cấu kiện nổi (+27,74%); sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) (+28,42%); sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện (+26,12%); sản xuất linh kiện điện tử (+14,50%); …
- Một số ngành giảm như: sản xuất plastic và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh (-60,06%); sản xuất các cấu kiện kim loại (-14,03%); sản xuất bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động (-37,23%); sản xuất mô tô, xe máy (27,39%); chế biến, bảo quản thuỷ sản và các sản phẩm từ thuỷ sản (-32,29%); sản xuất săm, lốp cao su; đắp và tái chế lốp cao su (-29,92%); …
- Một số sản phẩm trong 9 tháng/2024 tăng cao so với cùng kỳ: đồng hồ thông minh có giá từ 6 đến dưới 10 triệu (+750,26%); máy tính xách tay, kể cả notebook và subnotebook (+79,71%); máy cắt dựng cho bụi cỏ, công viên hoặc sân thể thao (+90,98%); Xe có động cơ chở dưới 10 người, có động cơ đốt trong kiểu piston đốt cháy bằng tia lửa điện với dung tích xi lanh > 1500 cc và ≤ 3000 cc (+55,77%); giày, dép thể thao có đế ngoài và mũ giày bằng cao su và plastic (+65,92%); …
* Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn:
Trong tháng 9/2024, do ảnh hưởng từ cơn bão số 3, hoạt động sản xuất công nghiệp tại các khu, cụm và trên địa bàn đều bị ngừng trệ một thời gian, làm nhỡ tiến độ xuất hàng, trọng điểm với chỉ số ngành công nghiệp chế biến chế tạo ghi nhận tăng trưởng thấp, ước tăng 3,53% so với cùng kỳ, kéo theo chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp IIP tháng 9/2024 ước tăng trưởng thấp 3,48% so với cùng kỳ (đây là tháng tăng trưởng thấp nhất từ đầu năm đến nay).
Cơn bão số 3 diễn ra những tuần cuối tháng 9, nên cũng giúp sản xuất công nghiệp 9 tháng 2024 đỡ bị ảnh hưởng, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 9 tháng 2024 ước tăng 15,14% so với cùng kỳ, cho thấy mức cải thiện mạnh mẽ của các điều kiện kinh doanh vào thời điểm quý II và quý III, trong đó có những điểm nhấn tích cực là sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng, áp lực lạm phát đã nhẹ bớt... đã giúp hoạt động sản xuất vượt qua thách thức.
2. Về hoạt động thương mại
- Kế hoạch năm: đạt 222.550 tỷ đồng.
- Kết quả thực hiện: Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 9 ước đạt 19.400,4 tỷ đồng, tăng 0,09% so tháng 8/2024, tăng 14,39% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 16.423,3 tỷ đồng, tăng 3,56% so với tháng 8/2024 và tăng 18,10% so với cùng kỳ; doanh thu khách sạn nhà hàng ước đạt 2.099,3 tỷ đồng, giảm 16,68% so với tháng 8/2024 và giảm 3,46% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 14,3 tỷ đồng, giảm 65,49% so với tháng 8/2024 và giảm 9,9% so với cùng kỳ; dịch vụ khác ước đạt 863,4 tỷ đồng, giảm 10,33% so với tháng 8/2024 và tăng 0,11% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng/2024 ước đạt 166.452,6 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ, đạt 74,8% kế hoạch. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 166.452,6 tỷ đồng, tăng 14,26% so với cùng kỳ; doanh thu khách sạn nhà hàng ước đạt 19.463,2 tỷ đồng, tăng 13,04% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 241,6 tỷ đồng, tăng 11,01% so với cùng kỳ; dịch vụ khác ước đạt 8.271,0 tỷ đồng, tăng 4,69% so với cùng kỳ.
- Tình hình thị trường cung cầu, giá cả hàng hóa:
Trong tháng 9, cơn bão số 3 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường cung cầu, giá cả hàng hóa trên địa bàn thành phố: phần lớn các chợ, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, siêu thị bị ảnh hưởng: bị tốc mái, mất biển hiệu, biển quảng cáo, biển giá, có cửa hàng xăng dầu bị nghiêng cột bơm, hỏng hệ thống thu lôi, chống sét…; có siêu thị bị đổ cửa vào kho lấy hàng... Tuy nhiên, bên cạnh việc đã thực hiện tốt phương án dự trữ hàng hóa, chuẩn bị các máy phát điện để tiếp tục phục vụ sản xuất - kinh doanh trong thời điểm toàn thành phố mất điện; các doanh nghiệp đã chủ động khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 để nhanh chóng, kịp thời phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, trước, trong và sau bão số 3, hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú, không có hiện tượng đứt gẫy chuỗi cung ứng, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá bất hợp lý đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân.
Để chuẩn bị ứng phó trước, trong và sau cơn bão số 3, Sở Công Thương đã chủ động triển khai phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố xây dựng và ban hành Phương án dự trữ hàng hóa phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố năm 2024; trong đó, có 07 siêu thị, doanh nghiệp kinh doanh thương mại đã đăng ký tham gia dự trữ 07 nhóm hàng hóa với tổng số tiền dự tính 29.311.100.000 đồng. Đề nghị UBND các quận, huyện chủ động thực hiện phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn; rà soát nguồn cung hàng hóa trên địa bàn, đánh giá nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, trường hợp nguồn cung không đáp ứng, chủ động liên hệ với 07 doanh nghiệp cam kết dự trữ hàng hóa. Đề nghị Sở Giao Thông vận tải, Công an thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan phối hợp, hỗ trợ tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nhiên liệu xăng dầu được ưu tiên lưu thông để phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của nhân dân.
Thành lập các đoàn đi: (1) Kiểm tra tình hình dự trữ hàng hóa thiết yếu của các siêu thị, doanh nghiệp kinh doanh thương mại, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; (2) Kiểm tra, giám sát tình hình cung cầu, điều tiết hàng hóa thiết yếu tại các siêu thị, các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hải Phòng để không xảy ra tình trạng khan hiếm, tăng giá bán hàng hóa, đáp ứng tốt 3 nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Sở đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác kiểm tra, giám sát tình hình cung ứng, điều tiết hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố. Định kỳ hàng ngày, tập trung theo dõi diễn biến thị trường, công tác dự trữ hàng hóa,… để tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân thành phố.
Nhìn chung, trong 9 tháng năm 2024, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu luôn được bảo đảm, giá tương đối bình ổn, riêng mặt hàng rau xanh, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 nên nguồn cung giảm theo thời điểm nên giá có biến động tăng, tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, UBND các quận, huyện, doanh nghiệp đã tích cực phối hợp giải quyết tốt nhu cầu của nhân dân sau bão và hiện nay giá rau xanh đang giảm dần theo giá cả thị trường. Các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng, giá biến động theo giá thế giới.
3. Hoạt động xuất nhập khẩu
- Kế hoạch năm: Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 33 tỷ USD. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 32 tỷ USD.
- Kết quả thực hiện:
* Kim ngạch xuất khẩu: Tháng 9/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.852,8 triệu USD, giảm 17,6% so với tháng 8/2024 và tăng 0,56% so cùng kỳ. 9 tháng/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26.351,9 triệu USD, tăng 26,77% so với cùng kỳ, đạt 79,8% kế hoạch năm (9 tháng/2023 đạt 20.786,7 triệu USD).
* Kim ngạch nhập khẩu: Tháng 9/2024, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2.488,0 triệu USD, giảm 3,16% so với tháng 8/2024 và giảm 11,35% so cùng kỳ. 9 tháng/2024, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 20.896,5 triệu USD, tăng 4,13% so với cùng kỳ, đạt 65,3% kế hoạch năm (9 tháng/2023 đạt 20.068,6 triệu USD).
- Tình hình hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa:
Cơn bão số 03 vừa qua đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng tại miền bắc, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu. Trong ba ngày, trước trong và sau bão ước tính có gần 100 lượt tàu biển không tiếp cận được Cảng Hải Phòng. Trong đó, ngành logistics bị ảnh hưởng nặng nề nhất với với các doanh nghiệp khai thác cảng, cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba, dịch vụ vận tải và chuỗi cung ứng lạnh gặp gián đoạn. Trước tình hình trên, Sở Công Thương cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần tiết giảm chi phí sản xuất, chuyển đổi theo hướng sản xuất có giá trị gia tăng hơn; tăng cường hướng dẫn thủ tục, hồ sơ xin Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi tận dụng được các ưu đãi thuế quan và thông tin các hội thảo, hội nghị, chương trình giao thương nhằm kết nối, đa dạng hóa thị trường.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 xuất siêu 364,8 triệu USD. Tính chung 09 tháng năm 2024, mức thặng dư hàng hóa là 5.455,4 triệu USD, tăng hơn 13% so cùng kỳ (cùng kỳ năm trước mức thặng dư hàng hóa là 718,1 triệu USD). Đây là kết quả cao nhất từ trước đến nay, mang lại nhiều tín hiệu tích cực và tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp, hiệp hội tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
4. Sản xuất - kinh doanh điện
* Điện mua vào:
- Kế hoạch năm: 8.794.315.488 KWh.
- Kết quả thực hiện: tháng 9/2024 ước đạt 835.510.000 KWh, giảm 9,26% so tháng 8/2024, tăng 14,05% so với cùng kỳ. 9 tháng/2024 ước đạt 7.028.887.286 KWh, tăng 12,23% so với cùng kỳ, đạt 79,93% so với kế hoạch năm.
* Điện thương phẩm:
- Kế hoạch năm: 8.550.070.204 KWh.
- Kết quả thực hiện: Tháng 9/2024 ước đạt 830.000.000 KWh, giảm 4,17% so tháng 8/2024, tăng 11,53% so với cùng kỳ. Trong đó: Công nghiệp, Xây dựng: 514.643.764 KWh, tăng 1,44% so tháng 8/2024, tăng 22,34% so với cùng kỳ; Quản lý và Tiêu dùng dân cư: 257.059.083 KWh, giảm 13,26% so tháng 8/2024, giảm 5,83% so với cùng kỳ; Thương nghiệp, Khách sạn, Nhà hàng 32.850.145 KWh, giảm 11,73% so tháng 8/2024, tăng 12,52% so với cùng kỳ; Các hoạt động khác: 22.737.325 KWh, tăng 3,47% so tháng 8/2024, tăng 20,11% so với cùng kỳ.
9 tháng/2024 ước đạt 6.785.902.484 KWh, tăng 12,23% so với cùng kỳ, đạt 79,37% so với kế hoạch năm. Trong đó: Công nghiệp, Xây dựng: 4.126.996.960 KWh, tăng 14,98% so với cùng kỳ; Quản lý và Tiêu dùng dân cư: 2.204.973.022 KWh, tăng 6,51% so với cùng kỳ; Thương nghiệp, Khách sạn, Nhà hàng 258.271.534 KWh, tăng 13,63%; Các hoạt động khác: 171.873.191 KWh, tăng 27,01% so với cùng kỳ.
* Tình hình cung ứng điện trên địa bàn thành phố:
Trong tháng 9 đã xảy ra cơn bão số 3 gây mưa lớn, cây gãy đổ ở nhiều khu vực trên địa bàn thành phố ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cũng như một số công trình lưới điện, để đảm bảo việc cấp điện phục vụ nhu cầu hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh trên địa bàn thành phố, Sở Công Thương đã chủ động, thường xuyên trao đổi, thông tin và có nhiều văn bản đề nghị, đôn đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng khẩn trương thực hiện khắc phục, đảm bảo ưu tiên cấp điện các lĩnh vực: trạm bơm cấp thoát nước, cơ sở y tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế và các địa điểm ưu tiên quan trọng khác...; đồng thời đề nghị Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các đơn vị phân phối điện - bán lẻ điện khẩn trương thực hiện các giải pháp khắc phục sự cố để khôi phục việc cấp điện trở lại sớm nhất, phục vụ nhu cầu của nhân dân, doanh nghiệp và các đơn vị của thành phố sau bão số 3.