Thông báo trả lời kiến nghị của doanh nghiệp tại hội nghị thành phố đối thoại với doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024
Kính gửi: Công ty TNHH Công nghiệp nhựa Kyowa (Việt Nam).
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân thành phố tại Thông báo số 88/TB – UBND ngày 02/4/2024 về kết luận của Uỷ ban nhân dân thành phố tại Hội nghị thành phố Hải Phòng đối thoại với doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024;
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Công Thương thông tin nội dung trả lời kiến nghị của Quý Doanh nghiệp như sau:
Nội dung kiến nghị 1: Để giải quyết hiện trạng mất điện bất thường gây ảnh hưởng sản xuất cho các doanh nghiệp gây trì hoãn tiến độ xuất hàng khách hàng, mong muốn thành phố có giải pháp hỗ trợ cải tiến hạ tầng hệ thống điện KCN ví dụ như hỗ trợ “Lắp đặt trạm phát điện dự phòng KCN”.
Trả lời:
Trong thời gian qua, việc cấp điện cho các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn thành phố cơ bản diễn ra an toàn, ổn định phục vụ tốt sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp trong KCN Tràng Duệ. Trên cơ sở tham mưu của Sở Công Thương, Ủy ban nhân thành phố đã ban hành văn bản số 51/UBND - CT ngày 08/01/2024 về việc phê duyệt danh sách ưu tiên cấp điện trên địa bàn thành phố năm 2024 phòng khi hệ thống điện quốc gia xảy ra thiếu nguồn; Quyết định số 1139/QĐ - UBND ngày 08/4/2024 Phê duyệt phương án cung ứng điện năm 2024 trên địa bàn thành phố khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn.
Ngành điện và các đơn vị liên quan thực hiện đầu tư xây dựng phát triển nguồn điện, hệ thống lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực thành phố: năm 2023 đã xây dựng và đóng điện công trình lắp đặt MBA T3 TBA 110kV LG Display.
Việc đầu tư lưới điện trong KCN thuộc trách nhiệm của đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp theo quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Việc lắp máy phát điện dự phòng thuộc trách nhiệm của đơn vị sử dụng điện. Doanh nghiệp có nhu cầu lắp máy phát điện dự phòng, nếu cần sự hỗ trợ của đơn vị cung cấp điện trong KCN đề nghị trao đổi, làm việc với đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN. Trường hợp cần sự hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước đề nghị doanh nghiệp có văn bản gửi về Sở Công Thương để được hướng dẫn thực hiện.
Nội dung kiến nghị 2: Liên quan thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; mong muốn thành phố xem xét tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp lắp đặt, sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời giảm phát thải khí thải CO2, giảm xả thải nguồn nước gây hại, bảo vệ nguồn nước, tiết kiệm điện lưới quôc gia.
Trả lời:
Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch.
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: Đến năm 2030 phát triển đột phá về các ngành kinh tế biển trong đó có năng lượng tái tạo và ngành kinh tế biển mới. Theo đó, nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới là Thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác.
Với chủ trương, định hướng phát triển năng lượng tái tạo của Đảng và Nhà nước nêu trên, thành phố đã xây dựng, ban hành Kế hoạch số 42/KH – UBND ngày 02/3/2021 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 55 - NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị; Chương trình hành động số 01 - CTr/TU ngày 09/12/2020 của Ban Thường vụ Thành uỷ thực hiện Nghị quyết số 55 - NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra mục tiêu: Thực hiện đầy đủ có hiệu quả Nghị quyết số 55 - NQ/TW của Bộ Chính trị; khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trên địa bàn, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Khuyến khích đa đạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh trong phát triển năng lượng, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Chủ động nâng cấp, xây dựng hệ thống lưới điện, phân phối điện từng bước hiện đại, thông minh.
Như vậy, với chủ trương định hướng, thành phố luôn khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải CO2. Tuy nhiên, để triển khai việc lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời cần phải tuân thủ quy định pháp luật hiện hành liên quan như đảm bảo các yêu cầu về đầu tư, an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ… đặc biệt phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực theo quy định tại Điều 11,Luật Điện lực: “Đầu tư phát triển điện lực phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực”. Tổng công suất điện mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) trên địa bàn thành phố giai đoạn đến năm 2030 không vượt quá công suất phân bổ theo Bảng 6, Phụ lục II Quyết định số 262/QĐ - TTg ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trường hợp nguồn điện mặt trời mái nhà không liên kết lưới quốc gia được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất.
Hiện nay, Chính phủ đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, khi Nghị định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sở Công Thương sẽ xây dựng văn bản hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện.
Sở Công Thương thông báo để Quý Doanh nghiệp được biết./.