image banner
Tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 8 và 8 tháng năm 2020

Tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất công nghiệp
và hoạt động thương mại tháng 8 và 8 tháng năm 2020

I. Tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 8 và 8 tháng năm 2020:

Về sản xuất công nghiệp:

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2020 ước tăng 8,41% so với tháng 7/2020, tăng 16,17% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung
8 tháng/2020, IIP ước tăng 13,28% so với cùng kỳ.

Đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp
8 tháng/2020 là các ngành: sản xuất xe có động cơ ước tăng 186,75%; sản xuất thiết bị truyền thông ước tăng 92,68%; sản xuất mô tô, xe máy ước tăng 94,48%; sản xuất máy chuyên dụng khác ước tăng 84,08%; sản xuất pin và ắc quy ước tăng 28,35%... Một số ngành giảm so với cùng kỳ như: may trang phục giảm 21,69%; sản xuất xi măng giảm 7,95%; sản xuất giày dép giảm 16,57%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng giảm 2,51%;
sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng giảm 26,58%...

Về hoạt động thương mại:

Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 8/2020 ước đạt 12.194,1 tỷ đồng, giảm 2,95% so với tháng 7/2020 và tăng 9,93% so cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 8 tháng/2020, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 91.551 tỷ đồng, tăng 6,83% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 74.484 tỷ đồng, tăng 10,96% so với cùng kỳ; Doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 17.067,1 tỷ đồng, giảm 8,07% so với cùng kỳ.

Tình hình giá cả, cung cầu hàng hóa, lương thực, thực phẩm trên địa bàn thành phố nhìn chung cơ bản ổn định; vào thời điểm có thông tin về ca nhiễm bệnh Covid-19 tại Hải Dương, trong các ngày 14-15-16/8/2020, lượng người dân mua sắm tại siêu thị Big C, MM Mega Market cao gấp 2-3 lần so với ngày thường.

Giá thịt lợn giảm 5-10% so với tháng 7/2020 do các địa phương đã đẩy mạnh tái đàn, trong khi đó, người chăn nuôi lo ngại dịch bệnh tả lợn châu Phi tái bùng phát nên bán tháo đàn, kéo theo giá lợn hơi giảm; các loại thịt nhập khẩu từ Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc, Nga được các doanh nghiệp đầu mối nhập với số lượng lớn cũng góp phần làm giảm giá thịt lợn. Các mặt hàng phòng chống dịch như khẩu trang, dung dịch sát khuẩn… có giá ổn định, đáp ứng nhu cầu của người dân.

II. Nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 năm 2020:

1. Tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đẩy mạnh  hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố. Nắm bắt nhanh tình hình của các doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương trên địa bàn, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu do nhu cầu đột biến từ dịch bệnh để kịp thời có biện pháp điều hành hoặc có kiến nghị, đề xuất xử lý nhằm bình ổn thị trường.

2. Hoàn thiện nội dung báo cáo tại các hội nghị của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy các tháng cuối năm 2020: Sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19/10/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và bổ khuyết theo Chương trình hành động số 76-CTr/TU ngày 08/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị “Về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Tổng kết Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 26/3/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển thương mại Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển thương mại thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

3. Hoàn thiện Đề án cơ cấu lại công nghiệp, Đề cương đề án cụm liên kết ngành theo chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp, Đề án phát triển xuất khẩu hàng hóa, Kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021 – 2025 trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

4. Theo dõi, giám sát tình hình cung ứng điện trên địa bàn thành phố. Phối hợp với các Sở, Ban, ngành và các đơn vị liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố các dự án điện khí trên địa bàn; xây dựng quy trình nội bộ giải quyết thủ tục cấp điện qua lưới điện trung áp. Phối hợp với Sở Xây dựng tiếp tục rà soát, bổ sung các công trình điện vào Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

5. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 13/3/2018 của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2018 - 2020. Chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục lên phương án và kế hoạch dữ trữ hàng hóa phục vụ phòng chống lụt bão trên địa bàn thành phố.

6. Vận hành hệ thống phần mềm chính phủ điện tử lên cấp độ 3, 4 theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2020 của Chính phủ. Tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, hoạt động hóa chất. Xây dựng, triển khai Kế hoạch thanh, kiểm tra một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Hải Phòng trong việc chấp hành pháp luật về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa.

7. Triển khai các đề án khuyến công, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và chương trình xúc tiến thương mại đã được phê duyệt./.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TIN MỚI
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement