image banner
Tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 4 và 4 tháng năm 2020

Tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất công nghiệp
và hoạt động thương mại tháng 4 và 4 tháng năm 2020

I. Tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 4 và 4 tháng năm 2020:

Về sản xuất công nghiệp:

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng đầu năm 2020 ước tăng 16,18% so với cùng kỳ. Riêng tháng 4/2020, chỉ số IIP ước giảm 14,91% so với tháng 3/2020, giảm 0,96% so với cùng kỳ năm 2019. Các doanh nghiệp gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, các đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… bị hủy hoặc giãn thực hiện; các sản phẩm tiêu thụ trong nước cũng phải cắt giảm sản xuất do hàng tồn kho nhiều, khó tiêu thụ do nhu cầu đối với mặt hàng không thiết yếu giảm mạnh. Trong 52 nhóm ngành công nghiệp cấp 4 có 16 ngành có chỉ số sản xuất tăng và 36 ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ. Các ngành có IIP tăng cao là: sản xuất thiết bị truyền thông ước tăng 105,37%; sản xuất mô tô, xe máy ước tăng 89,7%; sản xuất pin và ắc quy ước tăng 52,86%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu ước tăng 35,41%; sản xuất, truyền tải và phân phối điện ước tăng 17,28%... Một số ngành giảm so với cùng kỳ như: may trang phục giảm 7,57%; sản xuất xi măng giảm 9,83%; sản xuất giày dép giảm 11,87%%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng giảm 11,36%; sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng giảm 15,08%; sản xuất đồ điện dân dụng giảm 21,64%...

Về hoạt động thương mại:

Từ ngày 01/4 - 22/4/2020, các hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu không được phép kinh doanh, do đó, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 4/2020 ước đạt 8.282 tỷ đồng, giảm 17,32% so với tháng 3/2020, giảm 21,65% so cùng kỳ năm 2019. Tính chung 4 tháng/2020, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 41.458 tỷ đồng, giảm 0,87% so với cùng kỳ năm 2019.

Tình hình giá cả, cung cầu hàng hóa, lương thực, thực phẩm trên địa bàn thành phố cơ bản được giữ ổn định. Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng trên địa bàn đã tăng 30% dự trữ hàng hóa thiết yếu, lượng hàng hóa dồi dào đáp ứng nhu cầu nhân dân; hệ thống siêu thị triển khai nhiều chương trình khuyến mại, chương trình bình ổn giá. Các mặt hàng có giá cả ổn định gồm: gạo, mỳ ăn liền, thịt gà; các mặt hàng có biến động giá khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội (ngày 01/4) gồm: rau, củ, quả (tăng 30 - 60%), thịt lợn (tăng 20%) tại các chợ do tâm lý tích lũy lương thực, thực phẩm của người dân, giá tại siêu thị vẫn giữ ổn định. Những ngày cuối tháng, các mặt hàng thiết yếu tại các chợ, siêu thị, cửa hàng, các doanh nghiệp cung ứng lớn trên địa bàn thành phố không có hiện tượng tăng giá đột biến.

II. Công tác trọng tâm tháng 5 năm 2020 của ngành Công Thương:

Dự báo trong tháng 5 và những tháng tiếp theo dịch Covid - 19 vẫn diễn biến khó lường trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, dịch bệnh đang dần được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp từng bước ổn định, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn do nguồn cung hàng hóa giảm, thị trường xuất khẩu hàng hóa đang bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh; các chuỗi cung ứng bị gián đoạn; nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàng hóa không thiết yếu cũng giảm. Để đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2020, Sở Công Thương tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đẩy mạnh  hoạt động sản xuất, kinh doanh:

- Chủ động, kịp thời triển khai các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Công Thương, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định về tình hình, kết quả thực hiện các biện pháp ứng phó với tác động do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

- Nắm bắt nhanh tình hình của các doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương trên địa bàn, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn. Giám sát việc triển khai thực hiện giảm giá điện cho các doanh nghiệp.

- Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 19/3/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về cung cấp hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân trong vùng phong tỏa cách ly y tế do dịch Covid- 19 gây ra trên địa bàn thành phố. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do nhu cầu đột biến từ dịch bệnh để kịp thời có biện pháp điều hành hoặc có kiến nghị, đề xuất xử lý nhằm bình ổn thị trường.

- Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa các thị trường xuất nhập khẩu và tìm kiếm thị trường mới; Tích cực khai thác cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do (FTA); Chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

2. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận của BTV Thành ủy về sơ kết, bổ khuyết Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19/10/2017 về phát triển công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt đề cương Đề án phát triển các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp thành phố Hải Phòng. Báo cáo, xin ý kiến Ủy ban nhân dân thành phố về việc thành lập Khu Thương mại tự do trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

3. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch của Sở thực hiện Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 19/3/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26/11/2019 của Chính phủ, Chương trình hành động số 76-Ctr/TU ngày 08/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị.

4. Xây dựng Dự thảo Quyết định quy định nội dung và mức hỗ trợ các Chương trình phát triển thị trường, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm của thành phố Hải Phòng. Phối hợp Sở Tư pháp thẩm định Quyết định ban hành Quy định cho phép sử dụng thẻ đi lại của doanh nhân APEC thuộc thành phố Hải Phòng thay thế Quyết định sổ 1085/2009/QĐ-UBND ngày 10/9/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố.

5. Xây dựng Dự thảo Chương trình hành động của BTV Thành ủy triển khai Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố bổ sung, điều chỉnh quy hoạch điện một số dự án 110kV và trung thế trên địa bàn thành phố.

6. Triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2020; Thực hiện kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn thành phố.   

7. Xây dựng Kế hoạch của Sở thực hiện: Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 17/4/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố; Chương trình hành động số 01/Ctr-UBND ngày 14/4/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 13/3/2018 của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2018 - 2020. Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh. Phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất chương trình xúc tiến thương mại phù hợp với các ngành hàng của thành phố.

8. Tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Sở Công Thương. Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3, 4. Tiếp tục triển khai công tác kiểm tra cải cách hành chính, tuyên truyền cải cách hành chính và thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan Sở, đơn vị trực thuộc.

9. Triển khai các đề án khuyến công, các đề án về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả khi được phê duyệt. Xây dựng Kế hoạch khuyến công năm 2021. Xây dựng báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Chương trình khuyến công giai đoạn 2016-2020 và đề xuất các nội dung, nhiệm vụ cần thực hiện trong giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển thương mại điện tử thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình xúc tiến thương mại thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Ứng dụng và phát triển E-logistics thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 – 2025./.

TIN MỚI
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement