Tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất công nghiệp
và hoạt động thương mại tháng 02 và 02 tháng năm 2020
1. Tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 02 và 02 tháng năm 2020
Về sản xuất công nghiệp:
Sản xuất công nghiệp 02 tháng đầu năm 2020 duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 02/2020 ước tăng 30,11% so với cùng kỳ năm 2019; Tính chung 02 tháng/2020, IIP ước tăng 23,57% so với cùng kỳ. Trong 52 nhóm ngành kinh tế cấp 4 có 25 ngành có chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng, trong đó: sản xuất thiết bị truyền thông tăng 123,36%, ngành sản xuất pin và ắc quy tăng 83,47%, sản xuất mô tô xe máy tăng 54,85%, sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện tăng 32,25%, sản xuất sắt, thép, gang tăng 20,85%, sản xuất, truyền tải và phân phối điện tăng 17%, may trang phục tăng 7,13%, sản xuất dây cáp, dây điện và điện tử khác tăng 6,42%, sản xuất giày dép tăng 2,81%... Có 27 ngành kinh tế cấp 4 giảm, trong đó: ngành sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng giảm 53,35%; sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng giảm 16,91%; sản xuất phân bón giảm 28,52%, sản xuất sản phẩm từ plastic giảm 22,13%, sản xuất đồ điện dân dụng giảm 12,54%;...
Về hoạt động thương mại:
Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 02/2020 ước đạt 11.159 tỷ đồng, tăng 10,82% so cùng kỳ năm 2019; Tính chung 02 tháng/2020, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 23.400 tỷ đồng, tăng 11,75% so với cùng kỳ; trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước tăng 13,6%, doanh thu dịch vụ ước tăng 4,36%. Tháng 02/2020 là thời điểm dịch bệnh do Covid-19 gây ra diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nhu cầu và tâm lý mua sắm của người tiêu dùng. Nhu cầu về các mặt hàng phòng chống dịch như khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn khô, các sản phẩm tăng cường sức đề kháng tăng cao trong khi sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong tháng giảm 30 – 40% so với cùng kỳ do nhu cầu vận tải giảm. Các mặt hàng tiêu dùng thường xuyên giá cả nhìn chung ổn định, tăng giá nhiều nhất là mặt hàng rau xanh, có mức giá cao hơn so với trước Tết Nguyên đán từ 5 – 10%; giá gia cầm tăng khoảng 10% so với thời điểm đầu tháng 02/2020 do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm; giá thịt lợn đã giảm từ 3 – 5% so với tháng 01/2020, tùy theo mặt hàng, giá bình quân một số sản phẩm thịt lợn như sau: Thịt mông 125.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 135.000 đồng/kg, thịt nạc vai 140.000đồng/kg, thịt đùi còn xương 110.000 đồng/kg, thịt đùi 130.000 đồng/kg.
2. Công tác trọng tâm tháng 3 năm 2020 của ngành Công Thương
- Rà soát, đánh giá toàn diện, bám sát thực tiễn các tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại trên địa bàn. Thường xuyên nắm tình hình tại các dự án, doanh nghiệp lớn thuộc ngành Công Thương để đánh giá cụ thể tình hình sản xuất kinh doanh, sử dụng lao động. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do nhu cầu đột biến từ dịch bệnh để kịp thời có biện pháp điều hành hoặc có kiến nghị, đề xuất xử lý nhằm bình ổn thị trường. Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định của Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân thành phố về tình hình, kết quả thực hiện các biện pháp ứng phó với tác động do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp, cập nhật kịch bản tăng trưởng trong lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương để báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
- Báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố tiến độ một số công trình trọng điểm như: Dự án Flamingo Cát Bà; đường dây mạch 110kV mạch 2 Chợ Rộc – Cát Hải – Cát Bà và trạm biến áp 110kV Cát Bà. Rà soát phụ tải, yêu cầu Công ty TNHH MTV điện lực Hải Phòng xây dựng phương án chống quá tải cục bộ và đảm bảo chất lượng điện năng đáp ứng được sự tăng trưởng của thành phố; xây dựng phương án cấp điện trong mùa hè và mùa mưa bão, đặc biệt là phương án cấp điện phục vụ các sự kiện của thành phố trong tháng 5/2020. Phối hợp với Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Ngân hàng phát triển Châu Á hoàn thiện dự thảo Kế hoạch triển khai Chương trình quốc gia Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030. Rà soát, quản lý, tham mưu đề xuất công tác triển khai thực hiện, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực.
- Tiếp tục thẩm định, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Báo cáo đầu tư và Quyết định thành lập CCN đối với các CCN: Tân Trào (huyện Kiến Thụy), Giang Biên (huyện Vĩnh Bảo). Xây dựng và triển khai thực hiện nội dung, dự toán kinh phí quản lý, vận hành Website Cơ sở dữ liệu CCN. Rà soát, đánh giá những ảnh hưởng liên quan thuộc lĩnh vực công thương trong việc thực hiện Nghị quyết về Đề án khoanh vùng để quản lý, lập quy hoạch bảo tồn các khu vực liên quan tới các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trên sông Bạch Đằng của Hội đồng nhân dân thành phố khóa XV tại kỳ họp thứ 12.
- Hoàn thiện, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Đề án phát triển xuất khẩu trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 13/3/2018 của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2018 – 2020. Báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về đề xuất xây dựng Đề án thành lập Khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng. Giải quyết kiến nghị của cử tri quận Ngô Quyền tại kỳ họp thứ 11 Hội đồng nhân dân thành phố khóa XV về dự án xây dựng lại chợ Đổng Quốc Bình. Tiếp tục hướng dẫn các quận, huyện trong công tác chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác chợ; phối hợp với các doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân các quận, huyện trong việc khảo sát địa điểm xây dựng chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố. Hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng phương án giá sử dụng diện tích bán hàng tại chợ tổng hợp xã Đại Hà (huyện Kiến Thụy) và chợ Phương Nghĩa, phường Sở Dầu (quận Hồng Bàng), báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định.
- Kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động tồn chứa, chiết nạp LPG trên địa bàn thành phố; Kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh Khí dầu mỏ hóa lỏng. Tiếp tục tổ chức kiểm tra các cửa hàng bán lẻ xăng dầu chưa được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thành phố.
- Ban hành Quy định về chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp. Xây dựng và triển khai: Kế hoạch Kiểm tra cải cách hành chính; Kế hoạch Tuyên truyền cải cách hành chính; Kế hoạch Kiểm tra thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan Sở, đơn vị trực thuộc; Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin năm 2020 của Sở. Thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng theo quy định.
- Xây dựng Đề án khuyến công địa phương về Tổng kết hoạt động khuyến công giai đoạn 2016 – 2020 và Xây dựng Chương trình khuyến công thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 – 2025. Triển khai các đề án khuyến công, các đề án về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả khi được phê duyệt. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử.
- Triển khai ký kết Chương trình hợp tác với các Sở Công Thương: Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nội; Thỏa thuận hợp tác với Cục Thống kê Hải Phòng.
- Tổ chức Đại hội các Chi bộ nhiệm kỳ 2020 – 2022, tiến tới tổ chức Đại hội Đảng bộ cơ quan Sở nhiệm kỳ 2020 – 2025./.