Thông báo về việc tổ chức Triển lãm quốc tế lần thứ nhất về công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo năm 2020
Thời gian: 19/01/2023 15:00

Tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 01 năm 2023

1. Tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 01 năm 2023

Sản xuất công nghiệp:

Tháng 01/2023, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng, tuy nhiên, mức độ tăng trưởng so với cùng kỳ khá thấp do năm nay thời gian nghỉ Tết Nguyên đán nằm trong tháng 1, một số doanh nghiệp cho người lao động nghỉ Tết sớm. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 01/2023 tăng 2,39% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 59 ngành phân ngành cấp 4, có 21 ngành có IIP tăng, 38 ngành có IIP giảm so với cùng kỳ tháng 01/2022. ­Những ngành có tốc độ tăng IIP cao trong tháng 01/2023 so với cùng kỳ là: sản xuất hàng may sẵn trừ trang phục tăng 116,22%; Sản xuất đồ chơi, trò chơi tăng 113,16%; Chế biến, bảo quản thuỷ sản và các sản phẩm từ thuỷ sản tăng 65,12%; Đóng tàu và cấu kiện nổi tăng 55,53%; Dịch vụ liên quan đến in tăng 48,77%… Một số ngành có đóng góp lớn cho tăng trưởng công nghiệp của thành phố duy trì tăng trưởng so với  cùng kỳ năm 2022: Sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính tăng 125,79%; Sản xuất thiết bị truyền thông tăng 51,49%; Sản xuất săm, lốp cao su; đắp và tái chế lốp cao su tăng 19,42%; Sản xuất xi măng, vôi, thạch cao tăng 18,77%…

Những ngành có IIP giảm sâu trong tháng 01/2023 so với cùng kỳ là: Sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép và ván mỏng khác giảm 80,09%; Sản xuất đồ gỗ xây dựng giảm 49,3%; Sửa chữa và bảo dưỡng phương tiện vận tải giảm 45,21%; Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 40,16%… Trong đó, có những ngành giảm tác động nhiều tới tốc độ tăng IIP của toàn ngành công nghiệp như: Sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng giảm 46,21%; Sản xuất, truyền tải và phân phối điện giảm 36,25%; Sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện giảm 29,89%; May trang phục giảm 29,5%; Sản xuất sắt, thép, gang giảm 25,83%; Sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ giảm 24,85%; Sản xuất xe có động cơ giảm 14,64%…

Hoạt động thương mại:

Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 01/2023 ước đạt 16.047,1 tỷ đồng, tăng 14,77% so với cùng kỳ năm 2022. Nhìn chung, tình hình cung cầu hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm trên địa bàn thành phố ổn định; giá cả các mặt hàng thiết yếu tại các chợ, siêu thị, cửa hàng, các doanh nghiệp cung ứng lớn trên địa bàn thành phố không có hiện tượng tăng giá đột biến. Thị trường hàng hoá giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán sôi động hơn so với cùng kỳ năm trước do không còn bị hạn chế bởi dịch Covid-19, nhu cầu mua sắm tăng khoảng 10-15% so với cùng kỳ. Nguồn cung hàng hóa phục vụ dịp Tết đa dạng về số lượng, chủng loại và mẫu mã, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân.

Các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng nguồn cung các mặt hàng thiết yếu dựa trên nhu cầu tiêu thụ hàng năm và sức mua hiện tại. Hệ thống siêu thị, các doanh nghiệp đầu mối phân phối các mặt hàng thiết yếu đều có kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng trung bình 20-25% so với cùng kỳ, trong đó, một số siêu thị tổng hợp xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa tăng mạnh so với cùng kỳ như siêu thị Go tăng 50%, siêu thị MMMega Market tăng 30-40%, siêu thị Winmart tăng 35%, siêu thị Co.opmart tăng 40%, siêu thị Aeon tăng 30%... Một số doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tích cực triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán như: Công ty CP Thương mại Minh Khai, Công ty TNHH MTV CoopMart Hải Phòng, Công ty Cổ phần du lịch khách sạn Hải Đăng…

2. Công tác trọng tâm tháng 02 năm 2023 của ngành Công Thương:

- Tập trung thực hiện các nhiệm vụ thành phố giao trong Chương trình công tác và Chủ đề năm 2023. Triển khai Kết luận số 224-KL/TU ngày 28/12/2022 của BTV Thành ủy về việc tổng kết thực hiện nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 26/03/2012 về phát triển thương mại Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

- Nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; Phối hợp với các đơn vị liên quan, địa phương đầu tư, xây dựng hạ tầng kết nối với các CCN; thu hút các doanh nghiệp thứ cấp vào sản xuất kinh doanh trong CCN. Tổ chức thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

- Theo dõi quản lý việc đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện theo Quy hoạch phát triển điện lực; Phối hợp tháo gỡ vướng mắc các dự án công trình điện 110kV, công trình điện trung áp. Tiếp tục bám sát các cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương về việc xin điều chỉnh bổ sung Quy hoạch điện Hải Phòng cấp điện cho KCN Tràng Duệ, Nam Cầu Kiền, KCN DEEP C2, Xi măng Chinfon và điều chỉnh bổ sung Quy hoạch điện Hải Phòng các công trình lưới trung áp. Báo cáo UBND thành phố, Bộ Công Thương: tình hình sử dụng năng lượng, định mức tiêu hao năng lượng năm 2022 của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2021 theo Quyết định số 1480/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ; danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2022 trên địa bàn thành phố. Đôn đốc xử lý các trường hợp vi phạm an toàn hành lang lưới điện cao áp còn tồn tại trên địa bàn thành phố.

- Theo dõi sát diễn biến thị trường cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu; phối hợp với các đơn vị liên quan bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân trên địa bàn thành phố. Xây dựng Kế hoạch triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Triển khai công tác chuẩn bị tổ chức Hội chợ triển lãm công nghiệp và thương mại Vùng đồng bằng sông Hồng.

- Xây dựng Kế hoạch Hội nhập quốc tế năm 2023. Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các kế hoạch của UBND thành phố liên quan đến hoạt động logistics trên địa bàn thành phố năm 2022; Kết quả giải quyết các đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia tại Hội nghị Liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng năm 2022.

- Phối hợp với các đơn vị xây dựng dự toán kinh phí chi tiết năm 2023 thực hiện các chương trình/kế hoạch: Hội nhập quốc tế, hỗ trợ phát triển thị trường, thương mại điện tử, xúc tiến thương mại, sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Hội chợ Triển lãm Công nghiệp Thương mại vùng Đồng bằng sông Hồng.

-  Xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch CCHC và chuyển đổi số năm 2023. Thực hiện các Đề án chuyển đổi số của Sở trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, logistics, hạ tầng điện sau khi được UBND thành phố phê duyệt Đề cương, dự toán./.

Các tin cũ hơn