image banner
Tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 9 tháng năm 2020

Tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất công nghiệp
và hoạt động thương mại 9 tháng năm 2020

I. Tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 9 tháng năm 2020:

Về sản xuất công nghiệp:

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9/2020 ước tăng 19,35% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 9 tháng năm 2020, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước tăng 14,02% so với cùng kỳ năm 2019. Một số ngành kinh tế cấp 4 có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2019 và đóng góp cho tăng trưởng chung của toàn ngành trong 9 tháng năm 2020 như: sản xuất xe có động cơ tăng 124,82%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 89,07%; sản xuất pin và ắc quy tăng 22,38%... Một số ngành ước giảm so với cùng kỳ như: sản xuất săm, lốp cao su giảm 34,2%; may trang phục giảm 20,79%; sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe giảm 26,1%...

Về hoạt động thương mại:

Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 9/2020 ước đạt 12.473,48 tỷ đồng, tăng 1,99% so với tháng 8/2020 và tăng 9,15% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 9 tháng/2020, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 104.060,1 tỷ đồng, tăng 7,14% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 9 tháng năm 2020, dịch bệnh do Covid-19 gây ra diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nhu cầu và tâm lý mua sắm của người tiêu dùng. Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 2, tình hình giá cả, cung cầu hàng hóa, lương thực, thực phẩm trên địa bàn thành phố nhìn chung cơ bản ổn định.

Hiện tại, giá thịt lợn giảm 10 – 15% so với tháng 8/2020; giá các loại thịt gia cầm có xu hướng giảm 10 – 12% do lo ngại xuất hiện dịch cúm gia cầm; giá các loại rau, củ quả không có nhiều biến động; các mặt hàng phòng chống dịch như khẩu trang, dung dịch sát khuẩn có giá ổn định, đáp ứng nhu cầu của người dân; một số hàng hóa có sức tiêu thụ tăng so với tháng trước như: sách vở, đồ dùng học tập, máy tính, điện thoại… do đầu tháng 9 là thời điểm học sinh tựu trường; nguyên liệu làm bánh trung thu do các cơ sở sản xuất bánh nhập về làm bánh phục vụ Tết Trung thu.

- Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng/2020 ước đạt 14.098,6 triệu USD, tăng 19,92% so với cùng kỳ năm 2019, đóng góp chủ yếu cho kim ngạch xuất khẩu của thành phố là các mặt hàng điện tử, may mặc, giày dép… Kim ngạch nhập khẩu 9 tháng/2020 ước đạt 14.069,5 triệu USD, giảm 0,11% so với cùng kỳ.

II. Một số giải pháp thực hiện kế hoạch 3 tháng cuối năm 2020:

Dự báo trong những tháng tiếp theo, dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường. Nền kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn như suy giảm tăng trưởng do những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể diễn biến phức tạp hơn. Ngoài ra, tâm lí tiêu dùng còn chưa ổn định nên sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến quy mô tiêu dùng.

Để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2020, Sở Công Thương tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố. Nắm bắt nhanh tình hình của các doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương trên địa bàn, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu do nhu cầu đột biến từ dịch bệnh để kịp thời có biện pháp điều hành hoặc có kiến nghị, đề xuất xử lý nhằm bình ổn thị trường.

2. Hoàn thiện nội dung báo cáo tại các hội nghị của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy các tháng cuối năm 2020: Sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19/10/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và bổ khuyết theo Chương trình hành động số 76-CTr/TU ngày 08/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị “Về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Tổng kết Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 26/3/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển thương mại Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển thương mại thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Tổng kết tình hình thực hiện kế hoạch năm 2020, xây dựng kế hoạch năm 2021 của ngành Công Thương; Tổng kết chương trình khuyến công giai đoạn 2016 - 2020, định hướng nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2021 – 2025.

3. Theo dõi, giám sát tình hình cung ứng điện trên địa bàn thành phố. Phối hợp với các Sở, Ban, ngành và các đơn vị liên quan xây dựng quy trình nội bộ giải quyết thủ tục cấp điện qua lưới điện trung áp. Phối hợp với Sở Xây dựng tiếp tục rà soát, bổ sung các công trình điện vào Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Thẩm tra kết quả thực hiện tiêu chí điện của các huyện: Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Thủy Nguyên trong việc xây dựng huyện nông thôn mới và của các xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2020 trên địa bàn thành phố.

4. Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2020; Xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2021 – 2023; Xây dựng và triển khai chương trình “Tháng Khuyến mại Hải Phòng – năm 2020”. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu; thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 2025; triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) của thành phố Hải Phòng.

Hoàn thiện Quyết định quy định nội dung và mức hỗ trợ các Chương trình phát triển thị trường, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm của thành phố Hải Phòng trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt. Hoàn thiện Kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021 2025. Phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất chương trình xúc tiến thương mại phù hợp với các ngành hàng của thành phố.

5. Vận hành hệ thống phần mềm Chính phủ điện tử lên cấp độ 3, 4 theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2020 của Chính phủ. Tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, hoạt động hóa chất, hoạt động bán hàng đa cấp, hoạt động điện lực, hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của các doanh nghiệp FDI. Phối hợp các Sở, ngành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu năm 2020.

6. Triển khai các đề án khuyến công, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và chương trình xúc tiến thương mại đã được phê duyệt. Xây dựng Kế hoạch khuyến công năm 2021; Chương trình xúc tiến thương mại thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 2025; Đề án Ứng dụng và phát triển E-logistics thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 2025./.

TIN MỚI
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement