image banner
Ngành Công thương Hải Phòng 70 năm vững vàng đi lên cùng thành phố và đất nước

Ngành Công thương Hải Phòng 70 năm vững vàng đi lên cùng thành phố và đất nước

Ngày 14-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 21 đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Ngày 2 - 10 - 2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1418/QĐ-TTg, lấy ngày 14 - 5 hằng năm là “Ngày truyền thống của ngành Công Thương Việt Nam”. 70 năm qua, ngành Công Thương Việt Nam nói chung và ngành Công Thương Hải Phòng nói riêng luôn giữ vị trí đặc biệt đối với nền kinh tế, quản lý bao trùm nhiều lĩnh vực, luôn đi đầu và giành được những thành tựu to lớn…

Những dấu ấn đáng tự hào

70 năm với những giai đoạn lịch sử khác nhau, ngành Công Thương Hải Phòng luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, gian khổ, hy sinh, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cán bộ, công nhân viên ngành Công Thương Hải Phòng vừa dũng cảm chiến đấu vừa hăng hái lao động, sản xuất, hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chính là: xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Mạng lưới dịch vụ quốc doanh và hợp tác xã mua bán hình thành rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ hậu phương ra tiền tuyến, đưa hàng phục vụ đến từng cơ quan, xí nghiệp, từng trận địa phòng không để đáp ứng yêu cầu sản xuất, chiến đấu và đời sống của nhân dân. Ngành công nghiệp của Hải Phòng phát triển mạnh mẽ với các nhà máy: Mì sợi, Dụng cụ, Khoá 1-12, Sắt tráng men nhôm, Mạ và Thủy tinh; cùng các nhà máy đóng tàu, nhà máy cơ khí như: Cơ khí 23-9, Cơ khí tháng 10, Cơ khí 139, Cơ khí Duyên Hải, Cơ khí Kiến Thiết, Cơ khí 1-5, Cơ khí 19-8… Lĩnh vực nội thương nắm giữ nguồn hàng, bảo đảm giữ vững, ổn định mức cung cấp các nhu cầu thiết yếu cho nhân dân, góp phần chi viện cho chiến trường. Hoạt động xuất nhập khẩu được duy trì, bước đầu khai thác các mặt hàng có thế mạnh truyền thống của thành phố.

Sau khi đất nước được thống nhất, giai đoạn 1976-1985, công nghiệp, thương mại của Hải Phòng vừa tập trung khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa tiếp tục trụ vững và phát triển. Trong đó, ngành công nghiệp có bước tiến mới, công nghiệp địa phương tăng trưởng bình quân 5%/năm; ngành công nghiệp chế tạo phát triển mạnh, sản xuất nhiều thiết bị phục vụ ngành cũng như các ngành kinh tế khác. Thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán được chấn chỉnh, mở rộng mạng lưới thu mua, phân phối xuống tận xã, phường, cải tạo quản lý thị trường được đẩy mạnh, làm tốt nhiệm vụ phân phối hàng hóa, phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân.

Ngành Công Thương Hải Phòng được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1962, 1964, 2004); Huân chương Lao động hạng Nhì (1984, 2009); Huân chương Lao động hạng Nhất (1988, 1999); Cờ thi đua của Chính phủ (1967, 2000, 2003, 2006) cùng nhiều phần thưởng khác của Bộ Công Thương; UBND thành phố.

Bước vào giai đoạn đổi mới, từ năm 1986 đến nay, ngành Công Thương Hải Phòng thực sự lớn mạnh, ghi những dấu ấn đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của thành phố. Từ cơ chế quan liêu bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường, toàn ngành liên tục đổi mới, năng động sáng tạo và thích ứng nhanh, từng bước trưởng thành, phát triển. Một loạt doanh nghiệp công nghiệp, thương mại của Hải Phòng không những trụ vững trong nền kinh tế thị trường mà còn trở thành những điểm sáng của cả nước như: Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong; Công ty CP Sơn Hải Phòng, Công ty TNHH Vico, Công ty CP Bia Hà Nội- Hải Phòng, Công ty CP Tập đoàn Hapaco, Công ty CP Hàng Kênh, Công ty xi măng Vicem, Công ty xi măng Chinfon, Công ty Xăng dầu khu vực 3, Công ty CP Thương mại Minh Khai… Đồng thời xuất hiện một loạt nhân tố mới như: Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng; các siêu thị Big C, MM Mega Market, Coop Mart… Một loạt khu, cụm công nghiệp của thành phố được hình thành, tạo điều kiện thu hút nhiều dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, trong chuỗi cung ứng toàn cầu như các nhà máy của tập đoàn LG trị giá 5 tỷ USD; nhà máy sản xuất lốp xe Bridgestone, các nhà máy GE, Fuji Xerox, Kyocera, Nipro Pharma… Đặc biệt, từ năm 2019, Tập đoàn Vingroup đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất ô tô VinFast, trở thành niềm tự hào, biểu tượng phát triển mới của công nghiệp Hải Phòng và công nghiệp Việt Nam. Từ năm 2020, Tập đoàn Aeon Nhật Bản đầu tư hơn 4000 tỷ đồng hoàn thành trung tâm thương mại Aeon Mall Lê Chân- Hải Phòng, tạo nên một giá trị hoàn toàn khác biệt cho thương mại đất Cảng. Thương mại- Công nghiệp Hải Phòng phát triển không ngừng. Trong 5 năm 2015-2020, Hải Phòng thực sự khẳng định vị trí là trung tâm công nghiệp, thương mại của cả vùng và cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 20,64%/năm, gấp hơn 2 lần tốc độ tăng chung của cả nước; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP tăng từ 25,12% (năm 2015) lên 38,97% (năm 2020); tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo tăng nhanh từ 16,4% (năm 2015) lên 45,5% (năm 2020). Thương mại phát triển mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 34,42%/năm, năm 2020 đạt 18,94 tỷ USD, gấp 4,5 lần năm 2015 (4,23 tỷ USD); thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, từ 107 lên 126 nước, vùng lãnh thổ.

Vững bước trên chặng đường mới

Tự hào với truyền thống 70 năm, ngành Công Thương Hải Phòng đang nỗ lực vươn lên, đổi mới, năng động, sáng tạo, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và nghị quyết Đại hội 16 của Đảng bộ thành phố đề ra. Theo đó, phấn đấu tới năm 2025, Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; tạo nền tảng vững chắc để trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á vào năm 2030. Thành phố đặt ra chỉ tiêu cụ thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 21,5%/năm; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt từ 41% đến 43%; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến, chế tạo đạt từ 47% đến 49%; kim ngạch xuất khẩu đạt 35 tỷ USD.

Để đạt mục tiêu đó, ngành Công Thương tiếp tục phát huy truyền thống 70 năm qua, tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất thành phố, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án góp phần phát triển công nghiệp Hải Phòng theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, trụ cột chính của tăng trưởng kinh tế thành phố với trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao thân thiện môi trường; đưa Hải Phòng trở thành trung tâm logistics trọng điểm quốc gia và quốc tế; phát triển mạnh dịch vụ thương mại với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, xây dựng tổ hợp thương mại quy mô lớn, trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế. Đồng thời, phát triển hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, thương mại điện tử theo hướng văn minh, hiện đại; chủ động hội nhập quốc tế, khai thác hiệu quả cao các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) ..../.

BÙI QUANG HẢI, GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG HẢI PHÒNG

TIN MỚI
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement