Thông báo về việc tổ chức Triển lãm quốc tế lần thứ nhất về công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo năm 2020
Thời gian: 14/05/2021 17:06

Hải phòng nổi bật trong phát triển công nghiệp, thương mại trước tình hình mới

Hải phòng nổi bật trong phát triển công nghiệp, thương mại trước tình hình mới

Công nghiệp giữ vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế; thương mại phát triển theo hướng văn minh, hiện đại

Giai đoạn 2016-2020, thành phố Hải Phòng đã có nhiều đổi mới, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, đưa Hải Phòng bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ với nhiều đột phá, tăng trưởng cao, bền vững hơn. Trong đó, ngành công thương đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp CNH-HĐH của thành phố. Cụ thể:

Công nghiệp Hải Phòng phát triển mạnh theo hướng công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường; giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế Hải Phòng, khẳng định vị trí trung tâm công nghiệp lớn, có tính cạnh tranh cao của cả nước. Hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp được đầu tư phát triển nhanh theo hướng đồng bộ, hiện đại với 13 KCN, tổng diện tích 6.556 ha; 07 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 250 ha. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 20,64%/năm. Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP tăng từ 25,12% năm 2015 lên 38,97% năm 2020. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo tăng nhanh từ 16,4% năm 2015 lên 45,5% năm 2020.

Đặc biệt, công nghiệp thành phố đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, đầu tư vào các lĩnh vực chế tạo, sản xuất có giá trị kinh tế cao, như: Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đầu tư trên 6 tỷ USD; Tập đoàn Vingroup đầu tư và hoàn thành Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast, tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, tạo sự chuyển biến trong cơ cấu lại ngành công nghiệp thành phố.

Song song với đó, hoạt động thương mại phát triển theo hướng văn minh, hiện đại; Hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ logistics phát triển khá nhanh, khai thác và phát huy vai trò cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Trong những năm qua, thành phố đã thu hút được các dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng thương mại có quy mô lớn như Vincom, Aeonmall, Nguyễn Kim...

Hạ tầng thương mại tiếp tục được hiện đại hóa, đến nay đã có 11 trung tâm thương mại, 25 siêu thị, 154 chợ, 150 cửa hàng tiện ích, 9 kho xăng dầu, 3 trung tâm logistics. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 36,4%/năm, năm 2020 đạt 20,38 tỷ USD, thị trường xuất khẩu tiếp tục mở rộng, từ 107 thị trường lên 126 thị trường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 12,53%/năm, năm 2020 đạt 144.696,6 tỷ đồng.

4 tháng/2021, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn, sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại thành phố tiếp tục tăng trưởng. So với cùng kỳ, chỉ số phát triển SXCN tăng 23,17% (gấp 2,3 lần bình quân chung cả nước); Kim ngạch xuất khẩu đạt 7,3 tỷ USD (chiếm 7% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước), tăng 25,67%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 49.578,6 tỷ đồng, tăng 15,54%.

Công tác quản lý nhà nước được quan tâm chỉ đạo, tạo nên những chuyển biến tích cực

Đạt được những thành tích trên, bên cạnh sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương đã được quan tâm chỉ đạo, tạo nên những chuyển biến tích cực, thúc đẩy công nghiệp, thương mại có những phát triển đột phá.

Thực hiện chủ đề xuyên suốt trong 5 năm qua của thành phố là “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, Sở Công Thương tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND thành phố ban hành/phê duyệt các Nghị quyết, quy hoạch, chương trình, đề án phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn; rà soát, bổ sung Danh mục các dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư, đầu tư có điều kiện và không chấp thuận đầu tư trên địa bàn thành phố; xây dựng và phát triển hạ tầng các CCN, hạ tầng thương mại; Triển khai quy hoạch phát triển hệ thống trạm, lưới điện, bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, kịp thời cho hoạt động sản xuất kinh doanh, các hoạt động, sự kiện chính trị xã hội của thành phố và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân; tham mưu cho thành phố các giải pháp phát triển năng lượng mới, tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và bảo đảm an toàn hành lang lưới điện.

Hàng năm, Sở triển khai Chương trình bình ổn thị trường, đưa hàng Việt về các Huyện, đảo Cát Hải; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, thương mại điện tử, gắn thương mại điện tử với thương mại truyền thống và các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt nội dung các Hiệp định thương mại tự do qua nhiều hình thức trực tiếp, gián tiếp nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ để thực thi, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại, cam kết WTO, ASEAN... nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập sâu, rộng với thế giới.

Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.

Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh trên các lĩnh vực, lấy doanh nghiệp làm đối tượng ưu tiên phục vụ, tạo những điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, xuất khẩu và kinh doanh thương mại

Sở đã quan tâm chỉ đạo, đổi mới, nâng cao hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính, rà soát cắt giảm thời gian giải quyết 114/143 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Sở được rút ngắn về thời gian giải quyết, trong đó, có nhiều thủ tục hành chính đã rút ngắn thời gian thực hiện đến ngày làm việc so với quy định. Thực hiện cung cấp 25 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (chiếm 20%) và 43 dịch vụ hành chính công mức độ 4 (chiếm 34,4% tổng số dịch vụ hành chính công trực tuyến). Đặc biệt, thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi mẫu D cho hàng hóa xuất khẩu đi thị trường ASEAN được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng internet thông qua cơ chế Một cửa ASEAN, thuộc dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh và bền vững; trung tâm dịch vụ logistics quốc gia; trung tâm thương mại lớn, đồng bộ, có sức cạnh tranh cao của cả nước, tạo vị thế của thành phố trong vai trò trung tâm của vùng, cả nước và hội nhập quốc tế.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025, toàn ngành Công Thương cần nỗ lực vượt khó, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và nắm bắt tình hình doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hai là, Tiếp tục cơ cấu lại ngành công nghiệp thành phố theo hướng tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn: cơ khí chế tạo; điện tử - tin học. Tham mưu cho Thành phố ban hành các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện phát triển công nghiệp, thương mại thành phố; phát triển công nghiệp hỗ trợ, hạ tầng kỹ thuật CCN; phát triển các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị công nghiệp; phát triển hạ tầng thương mại, thương mại điện tử và dịch vụ logistics.

Ba là, quản lý, thực hiện hiệu quả Quy hoạch phát triển điện lực thành phố Hải Phòng; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, kịp thời cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Bốn là, Thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, triển khai hiệu quả Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025, khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, RCEP, ... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. 

Năm là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của ngành, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính; quan tâm đến ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và giải quyết công việc.

Trước thời cơ và thách thức mới với nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, ngành công thương đã luôn giữ vững vai trò và khẳng định vị trí quan trong của mình trong việc phát triển kinh tế của thành phố Hải Phòng. Trở thành một địa phương tiêu biểu, là điểm sáng trong phát triển công nghiệp và thương mại trước tình hình mới của cả nước.