image banner
BẢN TIN THỊ TRƯỜNG ALGERIA, GAMBIA, MALI, SENEGAL VÀ TUNISIA

THƯƠNG VỤ VIỆT NAM TẠI ALGERIA

(KIÊM NHIỆM GAMBIA,’ MaLi, NIGER, SENEGAL VÀ TUNISIA)

Địa chỉ: Villa 13, boulevard du 11 Decembre 1960, El Biar, Alger, Algeria
ĐTDĐ : +213559 50 26 58; Email:
dz@moit.gov.vn
Facebook: Thương vụ Việt Nam tại Algeria

BẢN TIN THỊ TRƯỜNG

ALGERIA, GAMBIA, MALI, SENEGAL VÀ TUNISIA

 

THÁNG 8/2022

Mục lục

  1. Thị trường Algeria.................................................................................. 4

1/ Tăng trưởng kinh tế của Algeria ước đạt 2,4% năm 2022........................ 4

2/ Lĩnh vực năng lượng của Algeria phát triển thuận lợi.............................. 4

3/ Algeria phát hiện mỏ khí đốt lớn tại sa mạc Sahara................................. 5

4/ Algeria phát hiện 3 mỏ dầu và khí mới................................................... 6

5/ Algeria tăng cường giao khí đốt đến Italy................................................ 6

6/ Algeria đạt được những sửa đổi mới về hợp đồng dầu khí....................... 7

7/ Algeria, Nigeria và Niger ký MOU về đường ống dẫn khí đốt đến châu Âu 7

8/ Algeria tăng sản xuất dầu thêm 2000 thùng/ngày vào tháng 9/2022......... 8

9/ Algeria để ngỏ khả năng gia nhập BRICS............................................... 9

10/ Xuất khẩu của Algeria tăng 48,3% trong 6 tháng đầu năm.................... 9

11/ Chính sách ngoại thương mới của Algeria:.......................................... 10

12/ Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Algeria................................................................................................................. 11

13/ Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria tăng 2,8% trong 7 tháng đầu 2022 .7.’................................................................................................................   12

14/ Algeria ban hành Luật đầu tư mới....................................................... 13

  1. Thị trường Senegal.............................................................................. 14

1/ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhất trí giải ngân 215,8 triệu USD cho Senegal 14 2/ Lĩnh vực mỏ đóng góp 4,2% GDP năm 2020............................................................... 14

3/ Senegal chi 1,6 tỷ euro để tự túc lương thực.......................................... 15

4/ Tình hình ngoại thương Senegal........................................................... 15

5/ Xuất khẩu của Việt Nam sang Senegal 7 tháng đầu năm 2022............. 15

  1. Thị trường Gambia............................................................................ 15

1/ Nền kinh tế Gambia phục hồi nhưng thâm hụt ngân sách vẫn tăng........ 15

2/ Gambia cấm xuất khẩu gỗ.................................................................... 16

3/ Gambia hạn chế giao dịch ngoại tệ........................................................ 16

4/ Gambia kéo dài thời hạn gửi bản chào thăm dò lô dầu khí A1.............. 16

5/ Chính phủ tăng trợ cấp giá phân bón.................................................... 17

6/ Hoa Kỳ tặng 25 triệu USD cho Gambia phục hồi lĩnh vực năng lượng. 17

  1. Thị trường Mali................................................................................. 17

1/ ECOWAS dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế, tài chính đối với Mali..... 17

2/ Ngân hàng thế giới thông báo khôi phục việc giải ngân cho Mali.......... 19

3/ Ngoại thương Mali quý 1/2022............................................................. 19

  1. Thị trường Tunisia............................................................................. 19

1/ GDP tăng 2,8% trong quý 2/2022........................................................ 19

2/ Đầu tư tại Tunisia tăng 118% trong 6 tháng đầu năm 2022................... 20

3/ Số khách du lịch tăng gấp đôi trong 7 tháng đầu năm........................... 20

4/ Tunisia ghi nhận việc giảm dự trữ ngoại tệ............................................ 20

5/ Thâm hụt thương mại của Tunisia tăng 56% trong 6 tháng đầu năm 2022 21

6/ Tunisia tăng nhập khẩu thực phẩm....................................................... 21

7/ Công ty phốt phát Gafsa sản xuất 2 triệu tấn phốt phát trong 6 tháng đầu năm 2022         21

8/ Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Tunisia năm 2021................. 21

  1. Cơ hội giao thương............................................................................ 22

1/ Nhu cầu XNK của doanh nghiệp Algeria.............................................. 22

2/ Hội nghị trực tuyến về thương mại và đầu tư giữa hai nước vào ngày 26­

27/9/2022.............................................................................................     23

3/ Mời tham dự Triển lãm quốc tế về gỗ, đồ gỗ tại Algeria........................ 23

4/ Tiềm năng XNK trong lĩnh vực bao bì, in ấn với Algeria và Tunisia..... 24

5/ Danh sách doanh nghiệp Algeria xuất nhập khẩu trong 24 lĩnh vực...... 24

  1. Thị trường Algeria

1/ Tăng trưởng kinh tế của Algeria ước đạt 2,4% năm 2022

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), dự báo tăng trưởng kinh tế của Algeria năm 2022 đã được điều chỉnh tăng ở mức 2,4% thay vì 1,9% như ước tính trước đó (còn năm 2023 sẽ vào khoảng 2,4%). Năm 2021, tăng trưởng kinh tế của nước này đã đạt 4%. Nguyên nhân là do giá dầu thế giới tăng trở lại, thêm vào đó Algeria cũng tăng sản lượng dầu khí trong khuôn khổ thỏa thuận giữa các nước thành viên OPEC +. Ngoài ra, lĩnh vực nông nghiệp của Algeria còn được hưởng lợi từ lượng mưa thuận lợi hơn năm 2021, góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

2/ Lĩnh vực năng lượng của Algeria phát triển thuận lợi

Với việc giá dầu thô tăng, đạt mức hơn 100 USD/thùng, kinh tế Algeria đang được hưởng lợi. Trong quý 2, Algeria tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế để đẩy mạnh thăm dò, mở rộng khai thác dầu khí trong nước. Algeria đứng đầu trong các chỉ số đầu tư về thăm dò dầu khí và khí đốt quý 1/2022 trong khu vực Arab, sau khi tập đoàn dầu khí quốc gia Sonatrach phát hiện 3 mỏ dầu khí mới.

Ngày 26/5, tập đoàn năng lượng khổng lồ Eni của Italy đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) với tập đoàn dầu mỏ Sonatrach của Algeria về việc đẩy nhanh thăm dò và khai thác các mỏ khí đốt và hydro xanh ở Algeria, khi Italy tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Nga, trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune tới Rome.

Ngày 28/5/2022, tại thủ đô Alger, Sonatrach và Sinopec Trung Quốc đã ký hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí với thời hạn 25 năm. Hợp đồng nhằm thực hiện một chương trình phát triển và khai thác dầu khí với mục tiêu thu hồi và nâng cao giá trị dầu khí tại khu vực Zarzaitine (tỉnh Illizi). Chương trình bao gồm làm mới cơ sở Unité Gas Lift, khoan 12 giếng phát triển mới, nâng cấp 6 giếng cũ, kết nối các giếng phát triển mới và bảo dưỡng các thiết bị trên mặt đất cũng như thu hồi khí đốt và giảm phát thải carbon. Tổng số vốn đầu tư dự kiến thực hiện kế hoạch này ước tính 490 triệu USD, cho phép thu hồi gần 95 triệu thùng dầu.

Ngày 1/6/2022, tập đoàn Sonatrach và đối tác Thái Lan PTTEP thông báo bắt đầu sản xuất dầu thô từ khu vực mỏ Hassi Bir Rekaiz, nằm ở vùng lòng chảo Berkine, khai thác trong khuôn khổ hợp đồng thăm dò và sản xuất ký từ 17/1/2010. Kế hoạch phát triển dự án dự kiến giai đoạn đầu khai thác sẽ đưa vào sản xuất hai mỏ là "Bou Goufa" và "Rhourde Ez Zita" thông qua việc kết nối 17 giếng dầu với các cơ sở xử lý có sẵn tại vùng Rhourde El Baguel. Sản lượng trong giai đoạn phát triển này là 13.000 thùng/ngày. Giai đoạn phát triển thứ 02 liên quan đến 8 mỏ khác đã được phát hiện trong phạm vi hợp đồng cũng sẽ được thực hiện, cho phép đạt mức 60.000 thùng/ngày.

3/ Algeria phát hiện mỏ khí đốt lớn tại sa mạc Sahara

Algeria phát hiện mỏ ngưng tụ khí lớn trong khu vực mỏ Hassi R'mel, tại sa mạc Sahara. Theo đánh giá ban đầu, trữ lượng của mỏ này được ước tính nằm trong khoảng từ 100-340 tỷ m3 khí ngưng tụ.

Ngày 27/6, Tập đoàn dầu khí Sonatrach của Algeria đã thông báo việc phát hiện mỏ ngưng tụ khí lớn trong khu vực mỏ Hassi R'mel, tại sa mạc Sahara (phần diện tích thuộc Algeria).

Thông cáo báo chí của Sonatrach cho biết việc phát hiện mỏ khí mới này giúp gia tăng đáng kể tiềm năng khai thác dầu khí ở khu vực mỏ Hassi R'mel.

Theo đánh giá ban đầu, trữ lượng của mỏ này được ước tính nằm trong khoảng từ 100-340 tỷ m3 khí ngưng tụ.

Khí ngưng tụ là khí tự nhiên có chứa hydrocacbon lỏng ở dạng huyền phù, tương tự như dầu thô, khiến giá trị tăng lên rất nhiều.

Sonatrach đã lên kế hoạch bắt đầu khai thác mỏ này vào tháng 11 tới, với sản lượng 10 triệu m3/ngày.

Algeria - quốc gia có trữ lượng khí đốt tự nhiên được đánh giá là gần 2.400 tỷ m3, cung cấp khoảng 11% lượng khí đốt tiêu thụ ở châu Âu, so với 47% của Nga - nước chiếm thị phần lớn nhất. Quốc gia Bắc Phi này cũng là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất châu Phi và xếp thứ 7 trên thế giới.

Một số quốc gia đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga kể từ khi nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine đã chuyển sang Algeria.

Tháng 4 vừa qua, Italy đã ký một thỏa thuận quan trọng với Algeria về việc tăng nguồn cung khí đốt.

Bên cạnh đó, Algeria cũng đẩy mạnh các hoạt động thăm dò, đầu tư, khai thác dầu khí để tăng cường năng lực xuất khẩu./.

4/ Algeria phát hiện 3 mỏ dầu và khí mới

Tập đoàn dầu khí quốc gia Algeria Sonatrach vừa công bố những phát hiện mỏ dầu khí mới ở phần lãnh thổ sa mạc Sahara, trong đó có phát hiện khi phối hợp với Tập đoàn năng lượng quốc gia Italy ENI.

Trong một tuyên bố, Sonatrach cho biết họ đã phát hiện các mỏ khí ở lưu vực Illizi. Tuyên bố cho biết thêm rằng trong các cuộc kiểm tra, một mỏ cho thấy lưu lượng 300.000 m3 khí/ngày, trong khi một mỏ khác là 213.000 m3/ngày. Phát hiện thứ hai được Sonatrach phối hợp với ENI tại một giếng dầu ở lưu vực Bắc Berkine. Theo tuyên bố, sản lượng ở mỏ này ước tính đạt 1.300 thùng dầu và 51.000 m3 khí đốt/ngày.

Sonatrach nói rằng các thử nghiệm tại lưu vực Bechar, cũng trên sa mạc Sahara, đã cho kết quả "thú vị", mà không đưa ra số liệu chi tiết. ENI hoạt động tại Algeria từ năm 1981 và là đối tác nước ngoài chính của Sonatrach trong lĩnh vực dầu khí.

Vào ngày 19/7, ENI, tập đoàn Occidental của Mỹ, Total của Pháp và Sona- trach đã ký một hợp đồng chia sẻ sản lượng dầu khí trị giá 4 tỷ USD cho mỏ Berkine.

Algeria là nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất châu Phi, với 90% nguồn thu nhà nước đến từ hydrocarbon.

5/ Algeria tăng cường giao khí đốt đến Italy

Ngày 15/7, Algeria đã quyết định tăng khối lượng khí đốt giao cho Italy thêm 4 tỷ m3.

Khối lượng khí đốt tăng thêm này sẽ được tập đoàn khí đốt Sonatrach của Algeria cung cấp cho ENI và các đối tác khác của Italy trong tuần tới.

Kể từ đầu năm đến nay, Algeria - quốc gia có quan hệ đặc biệt với Italy - đã chuyển giao cho "đất nước hình chiếc ủng" tổng cộng 13,9 tỷ m3 khí đốt, vượt 113% mức dự báo. Trong năm 2021, tổng lượng khí đốt của Algeria xuất sang Italy đạt 21,2 tỷ m3 và theo một thỏa thuận mà hai nước đạt được hồi tháng 4 vừa qua, Algeria sẽ tăng thêm cho Italy 9 tỷ m3 khí đốt mỗi năm trong giai đoạn 2023­2024.

Trước đó, việc Algeria cung cấp khí đốt cho Italy là trọng tâm các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune với người đồng cấp Italy Sergio Matarella và Thủ tướng Italy Mario Draghi. Hai bên nhất trí sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác năng lượng song phương trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga dần thu hẹp do các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine.

6/ Algeria đạt được những sửa đổi mới về hợp đồng dầu khí

Sonatrach, TotalEnergies, Occidental và Eni đã gia hạn hợp đồng chia sản phẩm (PSA) các lô 404 và 208 thuộc bể Berkine ở miền đông Algeria thêm 25 năm.

Thông cáo báo chí của Sonatrach cho biết, các cam kết bao gồm khảo sát địa chấn, khoan 100 giếng dầu, cải tạo 46 giếng và thực hiện 2 dự án thí điểm nhằm nâng cao hệ số thu hồi dầu và các dự án môi trường để giảm phát thải khí nhà kính.

Dự án này phù hợp với chiến lược khai thác dầu với chi phí thấp và tăng lượng khí đồng hành đáng kể trong tương lai, đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt xuất khẩu cho châu Âu.

Tổng vốn đầu tư thực hiện kế hoạch phát triển và khai thác các mỏ ước tính khoảng 4 tỷ USD, dự kiến sẽ khai thác thêm hơn 1 tỷ thùng dầu tương đương.

Việc gia hạn PSA đã được ký kết theo Luật hydrocacbon của Algeria năm 2019. Sonatrach cùng với TotalEnergies, Occidental và Eni, quản lý khu vực bể Berkin theo thỏa thuận liên doanh ký ngày 23/10/1989. Đến nay, tổng sản lượng của liên doanh đạt khoảng 2,7 tỷ thùng dầu tương đương, và khối lượng đầu tư hơn 10 tỷ USD.

Đồng thời, Sonatrach đàm phán lại hợp đồng khí đốt. Sonatrach đã bắt đầu quá trình đàm phán lại các hợp đồng cung cấp khí đốt với tất cả các khách hàng với mức giá mới.

“Chúng tôi hiện đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc đàm phán với tất cả các khách hàng về việc sửa đổi giá khí đốt, đạt được thỏa thuận với 3 quốc gia về mức giá mới”, Taufik Hakkar, Giám đốc điều hành của Sonatrach, cho biết tại một cuộc họp báo. Ông lưu ý rằng một thỏa thuận mới với Tây Ban Nha dự kiến sẽ được ký kết trong tương lai gần và nói thêm rằng, theo hợp đồng mới, khí đốt có thể được chuyển hướng đến các quốc gia khác sau khi được Algeria chấp thuận, với điều kiện là nước này nhận được một phần lợi nhuận.

Ông cũng cho biết việc xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ đã mang lại cho Algeria khoản lợi nhuận 35,4 tỷ USD vào năm 2021, so với 20,2 tỷ USD một năm trước đó. Hakkar cho rằng năm nay lượng xuất khẩu sẽ vượt quá 50 tỷ USD.

7/ Algeria, Nigeria và Niger ký biên bản về đường ống dẫn khí đốt đến châu Âu

Ngày 28/7, Algeria, Nigeria và Niger đã ký biên bản ghi nhớ về dự án đường ống dẫn khí đốt lớn cung cấp cho châu Âu các lựa chọn thay thế tiềm năng trong tương lai cho nguồn cung từ Nga.

Đường ống dẫn khí đốt xuyên Sahara (TSGP) sẽ vận chuyển hàng tỷ mét khối khí đốt dài 4.128 km từ Nigeria lên phía Bắc qua Niger và đến Algeria. Từ đó, khí đốt có thể được bơm qua đường ống Transmed dưới biển Địa Trung Hải đến Italy, hoặc được đưa lên các tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng để xuất khẩu.

Hôm 28/7, Bộ trưởng Năng lượng Algeria, Mohamed Arkab, đã tiếp các đối tác đồng cấp Timipre Sylva và Mahamane Sani lần lượt đến từ Nigeria và Niger, để đàm phán về dự án.

Nội dung của biên bản ghi nhớ không được tiết lộ, nhưng dự án vốn bị đình trệ trong thời gian dài, đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn trong những tháng gần đây khi giá khí đốt tăng do xung đột tại Ukraine.

Khi TSGP lần đầu tiên được đề xuất vào năm 2009, chi phí xây dựng đường ống này ước tính khoảng 10 tỷ USD.

Song song với việc phục vụ các thị trường châu Âu, khí đốt có thể được chuyển hướng sang cung cấp cho các thị trường dọc theo tuyến đường ống hoặc các nơi khác trong khu vực Sahel.

Algeria, nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất châu Phi, đã nhận thấy nhu cầu gia tăng sau chiến dịch đặc biệt của Nga tại Ukraine, khi các quốc gia phương Tây đang tìm kiếm trên khắp thế giới nguồn cung thay thế dầu và khí đốt của Nga. Algeria đang nghiên cứu những cách khác để tận dụng giá năng lượng cao trên toàn cầu. Nhưng TSGP sẽ phải đối mặt với những thách thức an ninh và logistics rất lớn khi đi qua hàng nghìn km sa mạc, nơi các nhóm thánh chiến đang hoành hành.

8/ Algeria tăng sản xuất dầu thêm 2000 thùng/ngày vào tháng 9/2022

Theo Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Algeria Mohamed Arkab, sản xuất dầu của nước này sẽ tăng thêm 2000 thùng/ngày vào tháng 9/2022, nâng tổng công suất lên 1,057 triệu thùng/ngày.

Trong tháng 8/2022, Algeria tăng sản lượng dầu khí thêm 16000 thùng/ngày, nâng tổng sản lượng dầu khí lên 1,055 triệu thùng/ngày.

Sau phiên họp ngày 3/8, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh thống nhất tăng sản lượng dầu thêm 100.000 thùng một ngày trong tháng 9. Con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng hơn 600.000 thùng trong tháng 7 và 8.

9/ Algeria để ngỏ khả năng gia nhập BRICS

Phát biểu với báo giới ngày 31/7, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Teb- boune đã để ngỏ khả năng quốc gia châu Phi này có thể tham gia Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS).

Algeria có hầu hết mọi điều kiện để được gia nhập BRICS và chúng tôi rất quan tâm đến việc gia nhập liên minh này", Tổng thống Tebboune nói.

Theo quan điểm của Tổng thống Algeria thì việc trở thành thành viên của BRICS sẽ khiến quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất châu Phi này tránh được các cuộc “xung đột lưỡng cực”.

BRICS là nhóm được thành lập vào năm 2009, với các nước thành viên gồm: Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Nga và Trung Quốc. BRICS hiện chiếm gần 25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), tốc độ tăng trưởng của BRICS trong năm 2022 có thể đạt trung bình hơn 5%, cao hơn so với mức dưới 4% của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Tháng 6/2022, Argentina và Iran đã nộp đơn xin gia nhập BRICS. Sau đó ít lâu, Chủ tịch Diễn đàn Quốc tế BRICS Purnima Anand cho biết Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út cũng đang có kế hoạch trở thành thành viên của BRICS

10/ Xuất khẩu của Algeria tăng 48,3% trong 6 tháng đầu năm

Theo Hải quan Algeria, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước này đạt 25,92 tỷ USD tăng 48,3% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu nhờ giá dầu khí xuất khẩu tăng.

Kim ngạch nhập khẩu của Algeria trong 6 tháng đầu năm đạt 20,22 tỷ USD, tăng 7,41% so với cùng kỳ năm 2021.

Như vậy, thặng dư thương mại đã đạt 5,68 tỷ USD trong khi cùng kỳ năm trước nước này thâm hụt 1,34 tỷ USD.

Tính đến hết tháng 6/2022, Algeria đã xuất khẩu các sản phẩm phi dầu khí đạt 3,5 tỷ USD, đạt 50% mục tiêu của chính phủ nước này. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu hàng phi dầu khí đạt 5 tỷ USD. Tổng công ty dầu khí Algeria Sonatrach thông báo thu nhập từ xuất khẩu dầu khí trong năm 2022 có thể đạt 50 tỷ USD nhờ giá quốc tế tăng và duy trì ở mức cao.

Trong số các đối tác thương mại chính thì Trung Quốc đứng số 1 chiếm 16,5% tổng kim ngạch nhập khẩu trong khi Italia là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm tới 21,83% tổng giá trị.

Vẫn theo Hải quan Algeria, dự trữ ngoại tệ của nước này đủ cho việc nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trong 12 tháng (không nêu chi tiết tổng dự trữ ngoại tệ). Nền kinh tế Algeria phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu khí, chiếm khoảng 90% tổng thu nhập ngoại tệ của nước này.

11/ Chính sách ngoại thương mới của Algeria

Bổ sung giấy chứng nhận của Cục Xúc tiến ngoại thương Algeria để được nhập khẩu

Nhằm giảm kim ngạch nhập khẩu và hợp lý hóa chi tiêu công, khuyến khích sử dụng hàng sản xuất trong nước, Bộ Thương mại và Xúc tiến xuất khẩu Algeria gần đây đã ban hành những biện pháp mới về quản lý nhập khẩu.

Trong công văn ngày 24/4/2022 gửi giám đốc các ngân hàng và cơ sở tài chính, Hiệp hội các ngân hàng và cơ sở tài chính Algeria (ABEF) đã truyền đạt thông báo của Bộ Thương mại và Xúc tiến xuất khẩu, yêu cầu các doanh nghiệp phải có thêm 01 chứng nhận của Cục xúc tiến ngoại thương Algeria (Algex) rằng mặt hàng cần nhập khẩu chưa có sẵn trên thị trường. Mục đích là cấm nhập khẩu các mặt hàng mà Algeria đã sản xuất được qua kênh thanh toán ngân hàng.

ABEF nêu rõ các doanh nghiệp nhập khẩu cần phải truy cập một nền tảng điện tử của Bộ Thương mại và Xúc tiến xuất khẩu giới thiệu các sản phẩm địa phương và các doanh nghiệp cung cấp hàng của Algeria trong các lĩnh vực để kiểm tra xem sản phẩm cần nhập hiện có thiếu trên thị trường sở tại hay không (https://www.commerce.gov.dz/cartographie). Chính quyền sở tại cũng có thể cấm nhập khẩu dần dần hoặc vĩnh viễn những mặt hàng này sau khi kiểm tra tính sẵn có trên thị trường Algeria.

Tiếp theo, kể từ ngày 25/4/2022, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu hàng hóa phải gửi đơn thông qua đường link https://www.commerce.gov.dz/import. để xin Cục Xúc tiến ngoại thương Algeria (ALGEX) cấp giấy chứng nhận hàng chưa có sẵn trên thị trường Algeria trước khi gửi hồ sơ nhập khẩu đến ngân hàng thanh toán.

Những mặt hàng được miễn giấy chứng nhận của ALGEX

Sau khi áp dụng quy định trên, một số Bộ của Algeria đã có phản ứng và làm việc với Bộ Thương mại và Xúc tiến xuất khẩu về vấn đề này. Ngày 26/5/2022, Bộ Công nghiệp dược phẩm Algeria đã thông báo cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực dược rằng những sản phẩm chủ yếu, có giá trị chữa bệnh cao, không sản xuất được tại địa phương hoặc lượng sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước sẽ được miễn giấy chứng nhận của Cục Xúc tiến ngoại thương (ALGEX).

Ngày 29/5/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Algeria cũng ra thông cáo, các doanh nghiệp nhập khẩu hàng thiết yếu cho hoạt động nông nghiệp được miễn nghĩa vụ xuất trình chứng nhận của Cục Xúc tiến ngoại thương Algeria (ALGEX) với ngân hàng thanh toán. Cụ thể là những mặt hàng nông nghiệp có nguồn gốc thực vật và động vật như giống, cây trồng, sản phẩm vệ sinh thực vật sử dụng trong nông nghiệp, thiết bị tưới tiêu và động vật sống, kể cả thức ăn gia súc và thuốc thú y. Việc miễn xuất trình giấy này chỉ có thời hạn 6 tháng, sau đó doanh nghiệp nhập khẩu lại phải hỏi ý kiến Bộ Thương mại và Xúc tiến xuất khẩu cũng như tra cứu nền tảng kỹ thuật số của ALGEX.

12/ Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Algeria

Ngày 13/7/2022, Cục Xúc tiến thương mại và Thương vụ Việt Nam tại Algeria đã phối hợp tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Algeria với sự tham gia của đại diện 60 cơ quan, doanh nghiệp hai nước.

Tại Hội nghị, Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại đã giới thiệu thông tin về thị trường Algeria cho doanh nghiệp Việt Nam và nhấn mạnh hội nghị giao thương trực tuyến lần này sẽ là cầu nối giúp doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội và tận dụng hiệu quả năng lực cung ứng sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam và Algeria.

Nhân dịp này, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Algeria đã chia sẻ thông tin về thị trường Việt Nam, tình hình hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước cũng như triển vọng thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại song phương.

Sau phiên toàn thể, các doanh nghiệp hai bên đã tiến hành các cuộc gặp B to B trực tuyến để giới thiệu về công ty, sản phẩm và nhu cầu xuất nhập khẩu. 24 doanh nghiệp Algeria tham dự mong muốn nhập khẩu các mặt hàng như nông sản thực phẩm (gạo, cà phê, rau), thủy sản đông lạnh (cá tra, tôm), giấy và nguyên liệu thô cho ngành in ấn, hóa chất, nguyên liệu chất dẻo, gỗ ván ép MDF dạng thô, khoáng sản và phân bón, kinh kiện phụ tùng ô tô... Về xuất khẩu, doanh nghiệp Bạn muốn tìm kiếm khách hàng mua xi măng, phốt phát, đá marble, mực in, dầu ôliu, quả ôliu, trái cây (chà là), rau, bánh bích quy, da và lông cừu, chân gà... Ngoài ra, các công ty Algeria cũng mong muốn thiết lập quan hệ đối tác đầu tư với doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực trồng chuối, trồng nấm, xây dựng.

Doanh nghiệp Việt Nam và Algeria đánh giá cao việc Bộ Công Thương Việt Nam đã tổ chức Hội nghị và hi vọng cuộc gặp này sẽ mở ra các cơ hội kinh doanh và đầu tư trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Tiếp theo sự kiện này, Cục XTTM, Thương vụ Việt Nam tại Algeria và Cục Xúc tiến Ngoại thương Algeria dự kiến sẽ phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến về thương mại và đầu tư giữa hai nước vào tháng 9/2022.

13/ Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria tăng 2,8% trong 7 tháng đầu 2022

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Algeria đạt 83,44 triệu USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Những mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng là cà phê, đạt khối lượng 24.822 tấn, kim ngạch 49,95 triệu USD (giảm 16% về lượng song tăng 2,3% về giá trị), hạt tiêu đạt 976 tấn, kim ngạch 3,28 triệu USD (tăng hơn 4 lần về lượng và tăng hơn 702% về giá trị), hàng thủy sản 3,23 triệu USD (tăng 274,3%), hàng hóa khác 18,41 triệu USD. Trong 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất được mặt hàng gạo trở lại, đạt 134 tấn, kim ngạch 108.755 USD sau khi năm 2021 không thâm nhập được thị trường này. Riêng xuất khẩu sản phẩm hóa chất chỉ đạt 2,48 triệu USD, giảm 40% và kim loại thường đạt 1,6 triệu USD, giảm 62,5% một phần do Algeria đã sản xuất được những sản phẩm này, mặt khác, chính phủ Algeria hạn chế nhập khẩu những mặt hàng mà nước này sản xuất được bằng cách đánh thuế cao hoặc không cấp giấy phép nhập khẩu.

14/ Algeria ban hành Luật đầu tư mới

Ngày 24/7/2022, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune đã ký luật số 22-18 về đầu tư sau khi được lưỡng viện quốc hội thông qua.

Luật mới đưa ra một loạt các biện pháp nhằm cụ thể hóa các cam kết của Tổng thống liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư và bảo đảm các điều kiện phù hợp để giải phóng tinh thần sáng tạo, đa dạng hóa nền kinh tế quốc dân trong khuôn khổ tầm nhìn chung và ổn định, có tính đến các nguyên tắc về tự do đầu tư, minh bạch và bình đẳng theo quy định của Hiến pháp năm 2020. Dự thảo luật nêu rõ việc tái tổ chức khung thể chế về đầu tư khi ấn định những nhiệm vụ của Hội đồng đầu tư quốc gia về đề xuất, phối hợp và đánh giá việc thực hiện chính sách quốc gia về đầu tư.

Luật cũng thay đổi tên gọi của Cơ quan phát triển đầu tư quốc gia (ANDI) thành Cơ quan xúc tiến đầu tư Algeria với vai trò xúc tiến, đồng hành cùng các nhà đầu tư thông qua việc thành lập chế độ một cửa quy mô quốc gia đối với các dự án lớn và đầu tư nước ngoài, thành lập cửa duy nhất phi tập trung đối với lĩnh vực đầu tư trong nước, chú trọng tăng cường các quyền của địa phương thông qua việc nâng cao tay nghề các tổ chức và cơ quan hành chính nhà nước liên quan, giảm thời gian xử lý hồ sơ xuống còn 1 tháng, mở rộng phạm vi bảo đảm cho việc chuyển vốn đầu tư và doanh thu ra nước ngoài cho các nhà đầu tư không thường trú tại Algeria. Cơ quan xúc tiến đầu tư Algeria sẽ trực thuộc Thủ tướng Chính phủ thay vì trực thuộc Bộ trưởng Bộ Công nghiệp như trước đây.

Cơ quan này cũng phụ trách việc đấu tranh chống quan liêu thông qua việc số hóa các thủ tục liên quan đến đầu tư bằng cách thành lập một nền tảng kỹ thuật số về nhà đầu tư và cấp ngay lập tức giấy chứng nhận đăng ký dự án đầu tư.

Những nội dung đáng chú ý khác trong Luật đầu tư mới là giảm kim ngạch nhập khẩu và áp dụng các hình phạt tối đa những người cản trở hoạt động đầu tư không phân biệt chức vụ và trách nhiệm như thế nào.

Những hệ thống khuyến khích đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, mỏ, y tế, dịch vụ từ xa, du lịch...) sẽ được thực hiện. Khung pháp lý về đầu tư sẽ được ổn định với thời hạn tối thiểu là 10 năm, đơn giản hóa và giảm quyền lực của chính quyền trong lĩnh vực này, tăng cường chế độ một cửa, xử lý đầu tư trực tiếp nước ngoài theo cách tiếp cận thực tế.

Chính phủ hi vọng những nỗ lực này sẽ được bù đắp bởi việc chuyển giao công nghệ cho phép Algeria tích hợp các chuỗi giá trị quốc tế. Những thay đổi này sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài vốn không ngừng giảm sút trong những năm qua. Theo Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), sau khi đạt đỉnh 2,75 tỷ USD vào năm 2009,^ các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Algeria đã không vượt quá 2 tỷ USD kể từ năm 2012 đến nay. Riêng năm 2021, dòng vốn FDI vào Algeria chỉ đạt 870 triệu USD trong khi năm 2020 là 1,14 tỷ USD.

  1. Thị trường Senegal

1/ Quỹ tiền tệ quốc tế nhất trí giải ngân 215,8 triệu USD cho Senegal

Trong thông cáo ngày 22/6/2022, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhất trí giải ngân 215,8 triệu USD cho Senegal. Khoản tiền này dùng để đối phó với việc tăng giá lương thực cũng như việc ngừng giao dịch thương mại với Mali (do lệnh cấm vận kinh tế của ECOWAS). Tỷ lệ tăng trưởng trong năm 2022 của Senegal đã được điều chỉnh giảm xuống còn 5% thay vì 5,5% như dự báo ban đầu. Thâm hụt ngân sách sẽ tăng lên 6,2% GDP (trong khi dự báo ban đầu là 4,8%). Tỷ lệ lạm phát ở mức 5,5% năm 2022 trong khi nợ công sẽ lên tới 75% GDP.

2/ Lĩnh vực mỏ đóng góp 4,2% GDP năm 2020

Mặc dù đại dịch Covid 19 tác động lên hoạt động kinh tế, lĩnh vực mỏ vẫn đóng góp 4,2% GDP của Senegal năm 2020 (năm 2019 là 3,5%) với doanh thu xuất khẩu ước đạt 785 triệu euro. Trong đó xuất khẩu vàng chiếm tới 73%, các khoáng chất Ilmenit, Rutil và Leucoxene 12,3% và Zircon 10,3%. Những khách hàng chính của Senegal là Porto Rico (40,6%), Úc (22,7%) và Thụy Sĩ (7,8%).

Trong 3 tháng đầu năm 2022, doanh thu của lĩnh vực công nghiệp đã tăng 21% trong đó ngành công nghiệp khai thác tăng đến 38,5%.

3/ Senegal chi 1,6 tỷ euro để tự túc lương thực

Ngày 5/7/2022, Bộ trưởng Nông nghiệp và Trang thiết bị nông thôn Senegal đã chủ trì hội thảo về chính sách nông nghiệp mới nhằm tiến tới một nền nông nghiệp bền vững trong khuôn khổ Kế hoạch Senegal nổi lên (PSE). Chương trình mới này có chi phí là 1,6 tỷ euro thực hiện trong 4 năm nhằm tự túc lương thực thông qua một nền nông nghiệp hiệu quả và bền vững đến năm 2025. Chương trình dựa trên 03 trụ cột chính là tăng cường việc trồng lúa, phát triển nghề làm vườn và phát triển các loại ngũ cốc trên cạn.

4/ Tình hình ngoại thương Senegal

Trong cán cân thương mại với thế giới, 6 tháng đầu năm 2022, Senegal tiếp tục nhập siêu với giá trị lớn gần gấp đôi kim ngạch xuất khẩu, khoảng 2,51 tỷ USD.

Theo Cơ quan quốc gia về thống kê và dân số nước này, trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Senegal đạt 2,63 tỷ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm sản phẩm dầu lửa, hải sản, axit phốtphoric, vàng phi tiền tệ và đỗ lạc chưa rang. Các khách hàng chính gồm Mali, Ân Độ, Thụy Sĩ, Bờ Biển Ngà, Tây Ban Nha, CH Ghi nê và Trung Quốc.

Về nhập khẩu, trong 6 tháng, kim ngạch đạt 5,14 tỷ USD, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu chính là sản phẩm dầu lửa thành phẩm, máy móc, gạo, lúa mì, kim loại thường và sản phẩm bằng kim loại. Các nước cung cấp chính gồm Pháp, Nga, Trung Quốc, Hà Lan, Tây Ban Nha và Ân Độ. Đáng chú ý là nhập khẩu gạo tấm của Senegal đã đạt 714 997 tấn, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2021.

5/ Xuất khẩu của Việt Nam sang Senegal 7 tháng đầu năm 2022

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang thị trường này trong 07 tháng đầu năm đạt 26,09 triệu USD, tăng 81,4% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả các mặt hàng xuất khẩu chính đều có mức tăng trưởng mạnh, gồm hạt tiêu đạt 1177 tấn, kim ngạch 4,6 triệu USD (tăng 3,7% về lượng và 33,8% về giá trị), bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc 3,4 triệu USD (+51%), dệt may, đạt 3,27 triệu USD (+4398,2%), hàng rau quả 2,46 triệu USD (+114,8%), hàng thủy sản đạt 1,44 triệu USD (+42,8%), gạo 1.530 tấn, kim ngạch 897.236 USD (tăng 5,4 lần về lượng và + 396% về giá trị), phương tiện vận tải phụ tùng đạt 469.972 USD (+1367,2%)...

  1. Thị trường Gambia

1/ Nền kinh tế Gambia phục hồi nhưng thâm hụt ngân sách vẫn tăng

Theo một báo cáo mới đây của Ngân hàng thế giới, kinh tế Gambia đã phục hồi vào năm 2021 (+4,3% năm 2021 trong khi năm 2020 là +0,6%). Năm 2022, dự báo tăng trưởng của quốc gia Tây Phi này đạt 4,7% chủ yếu nhờ vào việc xây dựng các công trình công cộng và phục hồi của ngành du lịch. Tỷ lệ lạm phát khoảng 11,7% do giá thực phẩm tăng. Tính đến ngày 20/5/2022, dự trữ ngoại tệ có thể đáp ứng được 6 tháng nhập khẩu. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách và tài khoản vãng lai do các nhà tài trợ vốn chính giảm tài trợ và sự phục hồi chậm chạp của ngành công nghiệp du lịch. Trong tháng 6/2022, WB đã giải ngân khoản viện trợ 68 triệu USD để Gambia thúc đẩy lĩnh vực du lịch. Báo cáo cũng khuyến nghị nước này có những biện pháp nhằm tăng cường điều hành, phục hồi ngân sách để đối phó với các cú sốc trong tương lai và dỡ bỏ những trở ngại đối với đầu tư, vấn đề sản lượng thấp và thiếu sự đa dạng trong nền kinh tế.

2/ Gambia cấm xuất khẩu gỗ

Ngày 1/7/2022, chính phủ Gambia thông báo cấm xuất khẩu gỗ và hủy bỏ mọi giấy phép xuất khẩu gỗ nhằm đấu tranh chống tình trạng buôn lậu gỗ hồng. Theo Cơ quan điều tra môi trường quốc tế (EIA), Gambia là một trong những nước xuất khẩu gỗ hồng lớn nhất thế giới giai đoạn từ tháng 6/2012 đến tháng 4/2020 và đã xuất khẩu khoảng 1,6 triệu cây gỗ hồng trong đó phần lớn vi phạm Công ước về thương mại quốc tế các loài bị đe dọa tuyệt chủng (CITES). Kể từ năm 2017, gỗ hồng được CITES đưa vào danh mục loài thực vật có nguy cơ biến mất.

3/ Gambia hạn chế giao dịch ngoại tệ

Tháng 5/2022, ông Mr. Buah Saidy, Thống đốc Ngân hàng trung ương Gambia đã có công văn gửi các ngân hàng thương mại đề nghị tạm ngừng việc rút ngoại tệ đối với các khách hàng, kể cả chủ các tài khoản ngoại tệ, mà phải rút bằng đồng tiền địa phương dalasi. Mục đích nhằm chống tính trạng thiếu ngoại tệ, lạm phát cao và chủ tài khoản rút ngoại tệ bán ra chợ đen. Ngân hàng nào hoạt động tại Gambia cho phép rút tiền bằng ngoại tệ sẽ bị phạt theo quy định của Ngân hàng trung ương. Chính sách mới này đã gây khó khăn cho việc thanh toán xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.

4/ Gambia kéo dài thời hạn gửi bản chào thăm dò lô dầu khí A1

Chính phủ Gambia đã gia hạn việc gửi bản chào thăm dò lô dầu khí ngoài khơi A1 trước đây do tập đoàn BP thực hiện. Lô này nằm ở phía Nam của lô Sangomar (Senegal) nơi có nhiều phát hiện về dầu khí và việc sản xuất sẽ thực hiện vào năm 2023. Việc gọi thầu đã được đưa ra vào tháng 2/2022 và kết thúc vào 6/6/2022. Theo yêu cầu của các doanh nghiệp, việc gửi bản chào đã được kéo dài thêm 3 tháng, đến 6/9/2022.

5/ Chính phủ tăng trợ cấp giá phân bón

Sau những lo ngại trước thông tin giá phân bón tăng tới 43,6 euro/bao, chính phủ Gambia đã quyết định tăng trợ giá phân bón lên mức trần là 34,9 euro/bao để hỗ trợ những nhà sản xuất nông nghiệp Gambia. Mặt khác, chính phủ đã thông báo Tập đoàn quốc gia về marketing và chế biến, an ninh lương thực quốc gia đã mua đủ phân bón cho vụ hè này.

6/ Hoa Kỳ tặng 25 triệu USD cho Gambia phục hồi lĩnh vực năng lượng

Ngày 15/7/2022, chính phủ Gambia và Tập đoàn MCC của Hoa Kỳ đã ký thỏa thuận theo đó Hoa Kỳ tặng 25 triệu USD cho Gambia phục hồi lĩnh vực năng lượng. Khoản hỗ trợ này được giải ngân trong vòng 4 năm nhằm: Nâng cao năng lực điều hành và năng lực hoạt động của lĩnh vực này, hỗ trợ những nỗ lực của chính phủ Gambia để mọi người dân được tiếp cận năng lượng vào năm 2025 thông qua các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Chương trình này là sự nối tiếp chương trình đã được ký kết vào tháng 11/2021 để hỗ trợ lĩnh vực điện và cải thiện hoạt động của Công ty điện nước quốc gia Gambia (NAWEC).

  1. Thị trường Mali

1/ ECOWAS dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế, tài chính đối với Mali

Ngày 3/7, Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã quyết định dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính áp đặt đối với Mali từ tháng 1/2022.

Các nhà lãnh đạo của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã quyết định dỡ bỏ biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính áp đặt đối với Mali từ tháng 1/2022 sau khi chính quyền quân sự của nước này đề xuất một lộ trình chuyển tiếp dân sự trong vòng 24 tháng và công bố luật bầu cử mới.

6 tháng sau khi áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính với Mali, Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã tuyên bố dỡ bỏ lệnh này hôm 3/7/2022 tại cuộc họp thượng đỉnh tại thủ đô Accra, Ghana. Việc mở lại biên giới trên bộ và trên không giữa các nước thành viên ECOWAS và Mali cũng đã có hiệu lực. Đây là một tin vui đối với kinh tế nước này, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu.

Trước đó, vào tháng 1/2022, Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECO­WAS) gồm 15 nước thành viên đã áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Mali do quốc gia này không tôn trọng lịch trình bầu cử tổng thống theo kế hoạch, dự kiến diễn ra vào tháng 2/2022 để chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự (Mali đã trải qua các cuộc đảo chính vào tháng 8/2020 và tháng 5/2021). Các biện pháp trừng phạt của ECOWAS đối với Mali bao gồm đóng cửa biên giới trên đất liền và không phận giữa các nước ECOWAS và Mali, đình chỉ tất cả các giao dịch tài chính và thương mại giữa các nước thành viên ECOWAS với nước này trừ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm, thuốc tân dược, trang thiết bị y tế (trong đó có thuốc phòng chống COVID-19), các sản phẩm dầu mỏ và điện. Ngoài ra, ECOWAS cũng phong tỏa tài sản của Mali tại các ngân hàng trung ương và thương mại của tổ chức này, tạm ngừng mọi hoạt động hỗ trợ tài chính của các ngân hàng ECOWAS như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Tây Phi (BIDC) và Ngân hàng Phát triển Tây Phi (BOAD) đối với Mali.

Việc cấm vận kinh tế này đã gây rất nhiều khó khăn cho kinh tế nói chung và ngoại thương Mali nói riêng. Mali, một quốc gia không có biển nằm trong số các nước nghèo nhất châu Phi. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này xuống 2% trong năm nay so với 3,1% năm 2021, nguyên nhân do tác động của các biện pháp trừng phạt của ECOWAS (Mali không thể xuất khẩu gia súc, bông và vàng) và cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ucraina.

Còn hãng xếp hãng Moody’s cũng đã điều chỉnh giảm đáng kể dự đoán tăng trưởng của Mali xuống còn 1,5% năm 2022 thay vì 5,5% trước lệnh trừng phạt, nhưng cho rằng kinh tế Mali luôn phát triển nhờ lĩnh vực nông nghiệp và mỏ đang tăng trưởng.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mali đạt hơn 13 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu đạt gần 24 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam gồm dầu thô, xi măng, hải sản, hạt tiêu, sản phẩm chất dẻo... Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ thị trường này là bông các loại, hạt điều, đồng, máy vi tính, sản phẩm sắt thép.

2/ Ngân hàng thế giới thông báo khôi phục việc giải ngân cho Mali

Sau khi thanh toán nợ cho Ngân hàng thế giới (WB) ngay khi Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và Liên minh kinh tế-tiền tệ Tây Phi (UEMOA) dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế với Mali, ngày 18/7/2022, Phó chủ tịch WB phụ trách khu vực Tây và Trung Phi đã gửi thư cho Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Mali thông báo dỡ bỏ việc ngừng giải ngân liên quan đến các dự án và chương trình do WB tài trợ tại Mali.

3/ Ngoại thương Mali quý 1/2022

Theo Viện thống kê Mali, trong quý 1/2022, kim ngạch xuất khẩu của Mali đạt 75,36 triệu USD, giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm vàng phi tiền tệ (chiếm tới 90,62% tổng kim ngạch), phân bón, rau quả, hạt và cây có dầu. Các khách hàng chính là Nam Phi, Thụy Sĩ, Úc, Đan Mạch và Burkina Faso.

Về nhập khẩu, kim ngạch đạt 1,01 tỷ USD, giảm 23,13% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu chính là dầu lửa và các sản phẩm từ dầu lửa, ngũ cốc và sản phẩm từ ngũ cốc, đường, sản phẩm từ đường và mật ong, sản phẩm sữa, trứng chim, dược phẩm và khoáng sản. Các nước cung cấp chính gồm Senegal, Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, Pháp, Ấn Độ và Mỹ.

  1. Thị trường Tunisia

1/ GDP tăng 2,8% trong quý 2/2022

Theo số liệu của Viện thống kê quốc gia Tunisia, GDP nước này đã tăng 2,8% trong quý 2/2022 so với cùng kỳ năm trước. Việc tăng này chủ yếu nhờ phục hồi du lịch (+42,5%) và dệt may, da giày (+16,4%). Ngược lại, các hoạt động khai thác dầu khí, các ngành công nghiệp hóa chất và lĩnh vực xây dựng lại giảm lần lượt là 15,7%, 2% và 11,6%. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 15,3% trong quý 2/2022.

2/ Đầu tư tại Tunisia tăng 118% trong 6 tháng đầu năm 2022

Theo Cơ quan quản lý đầu tư Tunisia (TIA), thu hút vốn đầu tư tại nước này đã tăng 118% trong 6 tháng đầu 2022 với 15 dự án đăng ký, đạt tổng giá trị 711,67 triệu USD.

Hơn một nửa số dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp trong đó 61% liên quan đến cơ điện, gần 40% dự án hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp xuất khẩu. 71% dự án đầu tư là của nước ngoài trong đó Pháp và Đức là hai nhà đầu tư lớn nhất, mỗi nước chiếm 30% tổng số vốn FDI vào Tunisia.

3/ Số khách du lịch tăng gấp đôi trong 7 tháng đầu năm

Theo thông báo của Ngân hàng Trung ương Tunisia ngày 3 tháng 8 năm 2022, thu du lịch của nước này trong 7 tháng đầu năm 2022 đã tăng 65,3% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 621 triệu USD. Còn ông Mohamed Moez Belahsin, Bộ trưởng Du lịch và Thủ công Tunisia, cho biết đã có 2,626 triệu khách thăm Tunisia trong 6 tháng đầu năm, tăng 113% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 42% so với cùng thời điểm năm 2019.

4/ Tunisia ghi nhận việc giảm dự trữ ngoại tệ

Theo Ngân hàng Trung ương Tunisia, dự trữ ngoại tệ của nước này đã giảm từ 7,69 tỷ USD ngày 30/6 xuống còn 7,63 tỷ USD vào ngày 15/7/2022, chỉ đủ cho 118 ngày nhập khẩu. Việc giảm dự trữ ngoại tệ này là do sức ép lạm phát và sự tăng giá của đồng đô la Mỹ, ngoại tệ giao dịch chính trong nhập khẩu năng lượng và nguyên liệu.

5/ Thâm hụt thương mại của Tunisia tăng 56% trong 6 tháng đầu năm 2022

Theo Viện thống kê quốc gia Tunisia, thâm hụt thương mại của nước này lên tới 3,76 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi kim ngạch xuất khẩu tăng 24,6%, đạt 9,06 tỷ USD thì kim ngạch nhập khẩu lên tới 12,82 tỷ USD, tăng 32,4%. Thâm hụt cán cân thương mại chủ yếu do Tunisia nhập khẩu nhiều năng lượng, chiếm tới 36%. Với việc nhập khẩu năng lượng tăng đến 85,9%, thâm hụt trong cán cân năng lượng đã tăng gần gấp đôi, lên 1,34 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm, Tunisia chịu thâm hụt thương mại nhiều nhất với Pháp, Đức, Lybia, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria và Nga.

6/ Tunisia tăng nhập khẩu thực phẩm

Theo Bộ Nông nghiệp Tunisia, tính đến hết tháng 6/2022, kim ngạch nhập khẩu thực phẩm của nước này đã tăng 45,5% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do Tunisia tăng nhập khẩu ngũ cốc (+48,6%), đường (+141%) và dầu thực vật (+70,1%). Mặt khác, do tác động của cuộc xung đột Nga-Ucraina, giá nhập khẩu các mặt hàng ngũ cốc đã tăng, chẳng hạn như đối với lúa mì cứng (+55,1%), lúa mạch (+58,1%) và ngô (+44,3%).

7/ Công ty phốt phát Gafsa sản xuất 2 triệu tấn phốt phát trong 6 tháng đầu năm

Công ty phốt phát Gafsa (CPG) đã sản xuất 2 triệu tấn phốt phát trong 6 tháng đầu năm, trong đó 1,8 triệu tấn được cung cấp cho Tập đoàn hóa chất Tunisia (GCT) và Công ty phân bón Tunisia-Ản Độ (Tifert), phần còn lại dành cho các công ty nước ngoài. Như vây, CPG đã tăng sản lượng thêm 66% so với cùng kỳ năm trước, song vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với thời điểm trước khi diễn ra cách mạng Hoa Nhài năm 2011 (khoảng 8 triệu tấn/năm).

8/ Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Tunisia năm 2021

Theo số liệu của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu sang Tunisia 67,53 triệu USD với các mặt hàng chính là cà phê, gia

vị, máy móc, thiết bị, cơm dừa, giày dép, quần áo, vải, xơ sợi, đồ da... 'Bảng : Việt Nam xuất khẩu sang Tunisia năm 2021

Tên sản phẩm

Đơn vị : Nghìn USD

 

Tổng cộng

67 536

09

Cà phê và gia vị (hạt tiêu, quế, gừng)

29 938

85

Máy móc, thiết bị và linh kiện

25 152

08

Cơm dừa

3 091

64

Giày dép

1 509

39

Nguyên liệu và sản phẩm chất dẻo

848

61

Quần áo và phụ kiện

1114

59

Vải, sợi

1073

55

Sợi tổng hợp và nhân tạo

503

 

 

38

Sản phẩm công nghiệp hóa chất

490

42

Sản phẩm bằng da

483

90

Thiết bị quang học, máy ảnh, dụng cụ đo lường

433

40

Cao su và sản phẩm cao su

369

73

Sản phẩm làm từ sắt, gang, thép

235

32

Ta-nin

226

95

Đồ chơi giải trí hay thể thao

140

82

Dụng cụ, dao kéo, bộ đồ ăn

129

52

Bông

121

Nguồn : Trung tâm thương mại quốc tế (ITC)

 

  1. Cơ hội giao thương

1/ Nhu cầu XNK của doanh nghiệp Algeria

Ngày 16/8, Thương vụ Việt Nam tại Algeria đã có cuộc tiếp xúc với các doanh nghiệp thuộc tỉnh Skikda, cách thủ đô Algiers khoảng 500 km. Cuộc gặp do Hiệp hội thanh niên Algeria tổ chức với sự tham dự của giám đốc Sở Thương mại tỉnh Skikda và đại diện Phòng TM và CN Skikda. Dn Algeria cho biết có nhu cầu nhập khẩu chuối, máy dệt, dây chuyền chế biến thực phẩm, và xuất khẩu gỗ lie, da cừu, lông cừu, quả chà là, dầu ô liu, mỹ phẩm tự nhiên, chân gà ...

Hiệp hội thanh niên Algeria cho biết đang xây dựng kế hoạch tổ chức đoàn XTTM vào Việt Nam trong quý 4/2022 và đề nghị Thương vụ phối hợp, hỗ trợ bố trí chương trình.

2/ Hội nghị trực tuyến về thương mại và đầu tư giữa hai nước vào ngày 26-27/9/2022
Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Algeria và Cục Xúc tiến Ngoại thương Algeria dự kiến sẽ phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến về thương mại và đầu tư giữa hai nước vào ngày 26-27/9/2022. Doanh nghiệp Việt Nam quan tâm có thể liên hệ với Cục Xúc tiến Thương mại theo địa chỉ email vunt@vietrade.gov.vn; vunt226@gmail.com hoặc Thương vụ Việt Nam tại Algeria theo địa chỉ email dz@moit.gov.vn để biết thêm chi tiết.

3/ Mời tham dự Triển lãm quốc tế về gỗ, đồ gỗ tại Algeria

Algeria Woodtech là sự kiện hàng đầu trong lĩnh vực gỗ, đồ gỗ, trang thiết bị và công nghệ gỗ tại Algeria. Dưới sự bảo trợ của Bộ trưởng Công nghiệp Algeria, Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 22/9/2022 quy tụ các ngành nghề chính trong phát triển lĩnh vực gỗ và đồ gỗ nhằm tạo lập và tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư vào ngành này.

Algeria không sản xuất gỗ nên phải nhập khẩu gỗ để chế biến hoặc nhập khẩu đồ gỗ làm sẵn. Mỗi năm, nước này nhập khẩu khoảng 700.000 tấn gỗ, trong đó 200.000 tấn dùng để sản xuất đồ gỗ. Algeria mua gỗ từ 38 nước trong đó có Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Triều Tiên, Trung Quốc, Singapore, Indonesia, Libăng, Phần Lan, Braxin, Bờ Biển Ngà, CHDC Congo, Nigeria và Cameroon. Đồ gỗ nhập khẩu từ châu Âu được giảm thuế nhập khẩu xuống còn 15%, VAT 9% trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Algeria-EU. Đối với đồ gỗ của các nước không ký FTA với Algeria khi NK vào Algeria phải chịu thuế NK 30% (bên cạnh VAT 19%, thuế khấu trừ 2% và thuế đoàn kết cộng đồng 2%). Đối với gỗ thô, thuế nhập khẩu là 5%, gỗ sơ chế, thuế nhập khẩu 15% và gỗ dán là 15%.

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ và sản phẩm từ mây tre, cói, thảm của Việt Nam sang Algeria đạt 2,13 triệu USD, tăng 51% so với năm 2019.

Doanh nghiệp Việt Nam quan tâm có thể liên hệ với :

Đơn vị tổ chức : Công ty CGCOM EVENT

Thời gian Triển lãm: Từ thứ hai (19/9) đến thứ năm (22/9/2022).

Địa điểm: Cung triển lãm Pins Maritimes, thủ đô Algiers

Điện thoại: +(213) 560.18.86.51 / 560.18.76.51

Email: info@algeriawood.com; web: https://www.algeriawood.com/en/

Đầu mối liên hệ: Cô INSAF CHOUAL

Hoặc Thương vụ Việt Nam tại Algeria, email: dz@moit.gov.vn

4/ Tiềm năng XNK trong lĩnh vực bao bì, in ấn

Tại Algeria

Danh sách doanh nghiệp Algeria có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu phục vụ các ngành công nghiệp bao bì, in ấn. Thông tin chi tiết trên đường link: https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/co-hoi-xuat-khau-nguyen-lieu- nhua-bao-bi-in-an-sang-algeria.html

Tại Tunisia

Danh sách doanh nghiệp Tunisia có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu phục vụ các ngành công nghiệp bao bì, in ấn. Thông tin chi tiết có trên đường link: https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/tiem-nang-hop-tac-thuong- mai-voi-tunisia-trong-linh-vuc-bao-bi-va-in-an.html

5/ Danh sách doanh nghiệp Algeria xuất nhập khẩu trong 24 lĩnh vực

Thương vụ Việt Nam tại Algeria xin giới thiệu danh sách doanh nghiệp Algeria xuất nhập khẩu trong 24 lĩnh vực để các công ty trong nước quan tâm tham khảo. Thông tin chi tiết có trên đường link: https://moit.gov.vn/tin- tuc/bao-chi-voi-nguoi-dan/danh-sach-doanh-nghiep-algeria-xuat-nhap-khau- trong-24-linh-vuc.html

Thông tin chi tiết, xin liên hệ:

Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Gambia, Mali, Niger, Senegal và Tunisia.

Tham tán Thương mại: Hoàng Đức Nhuận

Địa chỉ: Villa 30, boulevard du 11 Decembre I960, El Biar, Alger

ĐTDĐ : +213559 50 26 58 ; Email: dz@moit.gov.vn

TIN MỚI
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement