I. Tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 5 và 5 tháng 2021:
Về sản xuất công nghiệp:
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ,
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2021 ước tăng 2,66% so với tháng trước và tăng 24,75% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng/2021, IIP ước tăng 23,24% so với cùng kỳ năm 2020. Một số ngành có mức tăng trưởng cao trong 5 tháng đầu năm 2021 là: sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 82,59%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tăng 75,43%; sản xuất xe có động cơ tăng 71,05%; sản xuất bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động tăng 67,5%; sản xuất đồ điện dân dân dụng tăng 53,26%; đóng tàu tăng 23,04%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 21,31%... Một số ngành sản xuất giảm: sản xuất mô tơ, xe máy giảm 11,24%; sản xuất, truyền tải và phân phối điện giảm 15,72%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 32,41%...
Về hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu:
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5/2021 ước đạt 12.030,7 tỷ đồng, giảm 2,67% so với tháng trước và tăng 2,65% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 61.512 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ. Hiện nay, cung cầu hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố vẫn duy trì ổn định, lượng hàng hóa cung cấp ra thị trường đáp ứng nhu cầu người dân.
Đợt dịch Covid – 19 lần thứ 4 bùng phát nhanh và có diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp đã chủ động nhập nguồn hàng tăng 10-15% so với ngày thường, lượng hàng hóa dồi dào, phong phú, giá cả hợp lý, các siêu thị tiếp tục triển khai nhiều chương trình khuyến mại. Tình hình kinh doanh tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và các chợ cơ bản ổn định, riêng tại chợ đầu mối, lượng hàng hóa như rau củ quả có tăng 5-7% so với các tháng trước vì đang vào vụ thu hoạch, các doanh nghiệp do lo ngại hạn chế lưu thông hàng hóa, nên đã nhập hàng nhiều hơn ngày trước khi có dịch, trung bình mỗi ngày các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong chợ tiêu thụ khoảng 120-140 tấn rau củ quả các loại.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 5/2021 ước đạt 1.981 triệu USD, tăng 49,28% so với cùng kỳ; Tính chung 5 tháng/2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9.367,9 triệu USD, tăng 31,18% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.977 triệu USD, tăng 54,85% so với cùng kỳ; Tính chung 5 tháng/2021, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 9.111 triệu USD, tăng 30,84% so với cùng kỳ năm 2020.
Tháng 5/2021, nhóm điện tử và linh kiện điện tử (bao gồm cả sản phẩm dây điện và cáp điện) tiếp tục giữ vai trò chủ lực với kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố, đóng góp chủ yếu từ các công ty thuộc Tập đoàn LG. Nhóm máy móc thiết bị và phụ tùng chiếm hơn 8%; nhóm hàng dệt may và giày dép kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 3% và 5% so tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Châu Á là thị trường lớn nhất của các doanh nghiệp Hải Phòng, trong đó, Hàn Quốc chiếm trên 40%, tiếp đến là Hồng Kông chiếm khoảng 15%, Nhật Bản chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu.
II. Nhiệm vụ trọng tâm tháng 6 năm 2021:
1. Tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và nắm bắt tình hình doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục triển khai các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường một số biện pháp phòng, chống dịch Covid – 19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, cụm công nghiệp. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 19/3/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về cung cấp hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân trong vùng phong tỏa cách ly y tế do dịch Covid-19 gây ra trên địa bàn thành phố. Kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố trong việc thực hiện Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 và Quyết định số 2225/QĐ-BCĐQG ngày 28/5/2020 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
2. Tiếp tục tham mưu cho Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố về sơ kết, bổ khuyết Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19/10/2017 về phát triển công nghiệp. Phối hợp với các quận, huyện: Lê Chân, Hải An, Thủy Nguyên, Cát Hải xây dựng báo cáo tổng kết các Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng và phát triển địa phương.
3. Xây dựng và tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành: Kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện Đề án Phát triển các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp. Trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt các Đề cương Đề án: Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ theo hướng tiên tiến, hiện đại nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; Nghiên cứu thành lập Khu Thương mại tự do trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
4. Xây dựng Phương án phát triển CCN thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thiện Báo cáo thẩm định trình Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN: Tiên Cường I, II, III; Đại Thắng; Cửa Hoạt - Quán Thắng, Cẩm Văn, Mỹ Đồng. Tổng hợp đề xuất kế hoạch di chuyển các cơ sở sản xuất, kho bãi nhỏ lẻ trong đô thị về các khu, cụm công nghiệp tập trung của thành phố.
5. Phối hợp với Công ty TNHH MTV điện lực Hải Phòng và các đơn vị hoạt động điện lực khác đảm bảo cung ứng điện ổn định cho các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Tiếp tục hướng dẫn các chủ đầu tư thủ tục điều chỉnh, bổ sung các công trình điện vào Quy hoạch phát triển điện thành phố Hải Phòng; Rà soát, đánh giá tiêu chí về điện tại các huyện gắn với xây dựng nông thôn mới.
6. Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; Tiếp tục thực hiện Kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phòng chống lụt bão trên địa bàn thành phố; Hướng dẫn, kiểm tra các quận, huyện chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý, kinh doanh, khai thác chợ. Triển khai thực hiện Kế hoạch Hội nhập quốc tế thành phố Hải Phòng năm 2021.
7. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2021. Chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, các cơ sở công nghiệp nông thôn triển khai các đề án khuyến công địa phương, khuyến công quốc gia năm 2021, chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; xúc tiến thương mại và thương mại điện tử.
8. Xây dựng và triển khai kế hoạch đánh giá nội bộ về ISO 9001-2015 tại Sở. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật: Nội quy mẫu về chợ trên địa bàn thành phố Hải Phòng; Quy định việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, đề án khuyến công thành phố Hải Phòng; Quy chế quản lý CCN trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
9. Thành lập Đoàn kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố; Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điện lực đối với lĩnh vực phân phối và bán lẻ điện. Kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài tại Việt Nam năm 2021; Việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đối với hoạt động lập cơ sở bán lẻ trên địa bàn thành phố; Xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu đối với các doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa./.